4 dấu hiệu rủi ro của loại hình sản xuất xuất khẩu điều Theo số liệu của Cục Hải quan Bình Phước, Bình Phước là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động với 1.416 cơ sở chế biến hạt điều, 140 DN vừa và nhỏ, hơn 1.200 DN siêu nhỏ, 39 tổ hợp tác sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia hoạt động dưới hình thức hỗ trợ nhau trong liên kết sản xuất, hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín. Trong đó có hơn 200 DN có hoạt động xuất nhập khẩu điều. Ngành điều đang đóng góp lớn vào sức tăng trưởng kinh tế của tỉnh khi chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Nguyên liệu điều thô của các DN hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Phước có nguồn gốc từ các nguồn: nhập khẩu nước ngoài, mua bán trong nước và nguồn tự cung ứng. Trong đó, nguồn điều thô nhập khẩu từ nước ngoài có xuất xứ chủ yếu từ các nước như Nigeria, Ghana, Gambia, Ivcoast, Benin, Togo, Guinea, Tanznia, Burkina, Campuchia, Indonesia… Dù có sự phát triển mạnh mẽ, song hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu điều tại Bình Phước được đánh giá là vẫn mang tính tự phát, nhiều hoạt động mua bán nhỏ lẻ giữa các DN gây khó khăn trong công tác quản lý. Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ - Cục Hải quan Bình Phước cho biết, qua rà soát hoạt động nhập khẩu mặt hàng hạt điều để sản xuất xuất khẩu (theo loại hình E31) từ năm 2017 đến tháng 6/2022, Cục Hải quan Bình Phước nhận thấy 4 dấu hiệu rủi ro vi phạm chính sách ưu đãi miễn thuế đối với loại hình này. Dấu hiệu thứ nhất là lợi dụng chính sách ưu đãi miễn thuế đối với loại hình nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu nhưng không đưa vào sản xuất hoặc sản xuất một phần để xuất khẩu, đưa lượng nguyên liệu còn lại vào tiêu thụ nội địa không khai báo Hải quan. Dấu hiệu thứ hai là nhập khẩu ít hơn khai báo Hải quan nhằm chuyển ngân lậu ra nước ngoài. Dấu hiệu thứ ba là xuất khẩu ít hơn khai báo Hải quan nhằm hợp lý hóa việc bán tiêu thụ nội địa nguyên liệu, sản phẩm nhập khẩu được ưu đãi miễn thuế. Dấu hiệu thứ tư là mặt hàng điều thuộc danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm. Do vậy, có khả năng có rủi ro trong việc đưa vào sử dụng hoặc bán nguyên liệu điều nhập khẩu trước khi được thông quan hàng hóa. Giúp doanh nghiệp phát triển bền vững Trước những dấu hiệu rủi ro như trên, Cục Hải quan Bình Phước đã chủ động phát hiện DN quản lý hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu chưa đúng quy định, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý, mở hồ sơ nghiệp vụ để quản lý từng DN trên địa bàn có làm thủ tục tại đơn vị. Đơn vị cũng đã ban hành công văn cảnh báo vi phạm chính sách quản lý mặt hàng tới các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh khi tiến hành thu hồi vốn vay từ việc bán đấu giá tài sản đảm bảo là “hạt điều thô chưa bóc bỏ” nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu tại thị trường Việt Nam là vi phạm về quản lý chuyên ngành và hàng hóa này vẫn đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trong thời gian 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Cục Hải quan Bình Phước đã thành lập các đoàn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hơn 40 DN thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước. Qua kiểm tra, Cục Hải quan Bình Phước ghi nhận nhiều lỗi vi phạm các DN thường mắc phải như: khai sai tên hàng, xuất xứ, đơn vị tính, mã loại hình lô hàng xuất khẩu nhân hạt điều; khai sai số lượng và trị giá so với thực tế nhập khẩu của một số lô hàng nhập khẩu; cung cấp chứng từ tài liệu không đúng với thực tế đề nghị của Bộ Công thương cấp chứng nhận C/O. Bên cạnh đó, một số trường hợp DN thay đổi mục đích sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu mà không khai báo với cơ quan Hải quan; quản lý không tốt nguyên phụ liệu nhập khẩu để tồn thực tế chênh lệch âm với tồn trên hồ sơ khai báo Hải quan; lập báo cáo quyết toán không đúng với thực tế sử dụng; xử lý một lượng phế liệu hàng nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu không đúng quy định… Trên thực tế, hiện nhiều DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra làm gián đoạn sản xuất, chi phí vận chuyển tăng cao, xuất khẩu khó khăn, thậm chí nhiều lô hàng xuất khẩu biết lỗ mà vẫn phải xuất do đã ký hợp đồng trước đó. Một số DN không muốn tiếp tục kinh doanh loại hình nhập sản xuất xuất khẩu nhưng còn tồn một lượng nhỏ thành phẩm, phế phẩm nhân điều vẫn còn giá trị kinh tế nhưng không đủ tiêu chuẩn, số lượng xuất khẩu, DN không biết phải xử lý như thế nào vì chưa có cơ sở pháp lý cho trường hợp này. Đối với những DN mới khởi nghiệp thì khó khăn trong việc tìm đối tác tin cậy cung cấp nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, cũng như tìm nguồn xuất khẩu thành phẩm sau khi đã sản xuất xong. Do đó, trong thời gian tới, song song với việc tăng cường công tác quản lý, Cục Hải quan Bình Phước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý đối với loại hình sản xuất xuất khẩu để các DN hiểu và nắm chắc yêu cầu của pháp luật, từ đó áp dụng pháp luật vào quản lý điều hành tại công ty theo đúng quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Hải quan Bình Phước Nguyễn Văn Lịch cho rằng, để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý loại hình sản xuất xuất khẩu hạt điều, Bình Phước cần thành lập kho ngoại quan cho mặt hàng điều. Kho ngoại quan sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý cho cơ quan Hải quan, đồng thời các DN cũng thuận lợi hơn trong việc mua bán điều nguyên liệu, tránh được các rủi ro trong việc mua bán nguyên liệu cũng như trong quá trình quản lý, kiểm soát nguyên liệu điều, từ đó có cơ hội phát triển tốt hơn.
|