Từ trước đến nay, thông tin cơ sở chủ yếu được truyền tải đến người dân thông qua đài truyền thanh cấp xã và cấp huyện, bảng tin công cộng, bản tin, tài liệu không kinh doanh hay các tuyên truyền viên cơ sở. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động thông tin cơ sở đang từng bước thay đổi phương thức thực hiện. Ngoài cách làm truyền thống, người làm công tác cơ sở giờ đây sử dụng nhiều nền tảng công nghệ số để tuyên truyền, phổ biến thông tin trực tiếp đến người dân. Trong đó, các mô hình truyền thông qua Zalo đang cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2023 đến nay, nhiều bộ, ban, ngành từ cấp trung ương đến địa phương đã sử dụng Zalo - một nền tảng số trong nước để phục vụ việc chuyển đổi số các hoạt động hành chính công. Hoạt động này được thực hiện theo 1 trong 2 mô hình cụ thể là Zalo Mini App và Zalo Official Account (Zalo OA). Theo thống kê của Zalo, sau hơn 1 năm triển khai, đã có hơn 16.000 cơ quan nhà nước và 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng Zalo OA để kết nối với người dân. Với mô hình Zalo OA, các bộ, ban, ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể có thể phổ biến thông tin cũng như lấy ý kiến phản hồi từ người dân. Hiểu một cách đơn giản, Zalo OA là trang thông tin chính thức của cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính công trên Zalo, với mục đích tương tác, kết nối, truyền tải thông tin và mang lại giá trị cho người dùng. Thay vì đến trực tiếp tận nơi để được giải đáp thắc mắc hay làm thủ tục, người dân có thể bấm thông tin trên trang OA của địa phương nơi mình sống để được hướng dẫn các thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin hoặc gửi ý kiến phản hồi. Số liệu của Zalo cho thấy mô hình Zalo OA của các cơ quan nhà nước đã thu về hơn 57 triệu lượt quan tâm và 1,6 tỷ lượt tương tác giữa người dân và chính quyền các cấp. Trong đó, một số tài khoản OA nổi bật có thể kể đến như Thông tin giao thông TP.HCM với hơn 1 triệu lượt quan tâm, Tổng đài 1022 Đà Nẵng với gần 552.000 lượt, Sở TT&TT Hà Nội với gần 510.000 lượt quan tâm. Không chỉ các thành phố lớn, mô hình này cũng hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương. Cách làm này đã giúp tài khoản Binh Duong SmartCity của tỉnh Bình Dương có gần 492.000 lượt theo dõi. Trong khi đó, Cổng Hành chính công tỉnh Đồng Nai nhận về 341.000 lượt quan tâm. Mini App là mô hình chuyển đổi số thứ 2 đang được Zalo triển khai. Đây là ứng dụng nhỏ chạy trên nền tảng Zalo dùng để cơ quan, tổ chức, địa phương cung cấp các dịch vụ, tiện ích. Hiện đã có hơn 350 mini app phủ sóng toàn quốc từ cấp trung ương đến cơ sở, 15 tỉnh, thành phố ứng dụng các ứng dụng mini để kết nối đến người dân, thu hút hơn 5,7 triệu người sử dụng. Các tỉnh, thành phố đã và đang triển khai Mini App trên nền tảng Zalo gồm Tây Ninh, Lào Cai, Đắk Lắk, Long An. Với ứng dụng mini của riêng mình, các địa phương đang thúc đẩy người dân tra cứu, hỏi đáp thắc mắc, phản ánh ý kiến, xem thông tin, cập nhật tin tức qua ứng dụng số. Đáng chú ý, Mini App Đồng Nai Smart đã phát triển thêm tính năng camera trực tuyến trên các tuyến đường lớn để người dân nắm bắt tình trạng giao thông dễ dàng hơn. Mini App Tây Ninh Smart lập kỷ lục về lượng người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt và hiện đạt gần 255.000 người dùng. Mini App BR-VT Smart đạt hơn 18.000 người dùng sau 12 ngày ra mắt. Về tiện ích công, Mini App GoBus TPHCM trên Zalo vừa lập kỷ lục với hơn 450.000 người dùng chỉ sau 43 ngày ra mắt, vượt xa số lượt tải từ các kho ứng dụng của Native App (ứng dụng di động gốc) trong suốt 4 năm qua (201.000 lượt trong giai đoạn 2020-2024). Theo Cục Thông tin cơ sở (Bộ TT&TT), toàn quốc hiện có khoảng 3.000 Zalo OA cơ sở trên tổng số 10.000 xã, phường, thị trấn. Hiện Cục Thông tin cơ sở đang hỗ trợ các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc thiết lập tài khoản để tạo mạng lưới Zalo OA, phục vụ hoạt động thông tin cơ sở. Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, cho biết Nghị định số 49/2024/NĐ-CP về hoạt động thông tin cơ sở đã mở rộng không gian phát triển của hoạt động thông tin cơ sở. Các ứng dụng nhắn tin trên Internet và mạng xã hội được sử dụng là một loại hình thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở. Đây là căn cứ pháp lý để các địa phương trên cả nước tích cực triển khai công tác truyền thông cơ sở qua Zalo OA. “Trước đây, nói đến thông tin cơ sở là mọi người nói đến loa đài thì bây giờ, thông tin cơ sở sử dụng cả những loại hình thông tin, phương tiện thông tin hiện đại như cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên Internet, tin nhắn viễn thông để tuyên truyền, phổ biến thông tin trực tiếp đến người dân”, ông Nguyễn Văn Tạo nói. Thông tin cơ sở là kênh truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dânTheo Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở Nguyễn Văn Tạo, Nghị định số 49/2024/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý, mở rộng không gian phát triển, đồng thời khẳng định địa vị pháp lý, tính chính danh của lực lượng làm công tác thông tin cơ sở. |