Tháo gỡ nhiều vướng mắc của cử tri Giải đáp kiến nghị cử tri là hoạt động thường xuyên, quan trọng của Quốc hội. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn… Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong giải đáp kiến nghị cử tri. Cử tri cho rằng Chính phủ, Thủ tướng đã tích cực quan tâm giải quyết vấn đề còn tồn đọng, bất cập trong các kiến nghị của cử tri; đặc biệt thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm xem xét, giải quyết 2.210/2.216 (đạt gần 100%) kiến nghị của cử tri. “Điều này cho thấy Chính phủ và các bộ ngành trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước” - ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nói. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn một số tồn tại chưa được chỉ ra như một số cơ quan của Quốc hội còn chưa quan tâm đúng mức, chưa tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của cử tri trong việc thẩm tra, đánh giá tác động của một số dự án luật, chưa khai thác hiệu quả các ý kiến, ý nghĩa của cử tri, chưa lấy đó làm cơ sở làm căn cứ thực tiễn để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh. Tránh tình trạng tiếp thu chung chung 7 vị Bộ trưởng, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ĐBQH đã trực tiếp trả lời những vấn đề các ĐBQH nêu. ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) đề nghị xem xét nâng mức khoán bảo vệ rừng và khoán khoanh nuôi tái sinh rừng trồng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã dành gần 2 năm để sửa Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, liên quan đến thay đổi tư duy, thể chế, nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đến nay đã trình dự thảo cuối cùng đến Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề không chỉ là nâng mức khoán kinh phí bảo vệ rừng mà còn nằm trong tổng thể Đề án phát huy giá trị, đa dạng hệ sinh thái rừng…để làm du lịch dưới tán rừng, thuê dịch vụ môi trường rừng… tạo nguồn lực mới, tạo sinh kế mới cho những người giữ rừng. “Có như vậy thì cộng đồng bảo vệ rừng, bà con dưới tán rừng sẽ có sự thay đổi cách tiếp cận. Tôi mong muốn điều này sẽ được các địa phương nhìn nhận, rừng không chỉ riêng lẻ mà tích hợp đa tầng giá trị thì cộng đồng người giữ rừng sẽ có không gian việc làm, sinh kế, thu nhập tăng thêm” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian tới, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội có nhiều hình thức hơn nữa trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp và hướng giải quyết cụ thể; nên công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng. ĐBQH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định. Cần có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri riêng cho mỗi tỉnh, thành phố, không nên trả lời chung tại một văn bản, gây khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật, thống kê thông tin đến cử tri.
|