Nhận diện thách thức
Ngay từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo bộ máy hành pháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi phát đi thông điệp về một Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ và kiến tạo. Theo đó, Chính phủ đã đặt ra quyết tâm xóa bỏ rào cản, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển mạnh DN, kiên quyết xóa bỏ các giấy phép con không còn phù hợp, bảo đảm các điều kiện kinh doanh phải lượng hóa được và công khai, minh bạch, khả thi. |
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, những kết quả bước đầu, ngay trong nửa đầu năm 2016, những khó khăn, bất cập lớn của nền kinh tế đã trở thành thách thức không nhỏ cho Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu năm.
Báo cáo về những thách thức này tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định tăng trưởng kinh tế 2016 đối mặt với 9 thách thức lớn, trong đó vấn đề nợ công cao là thách thức hàng đầu. Đến cuối năm 2015, mức nợ công của Việt Nam bằng 62,2% GDP khiến Việt Nam đang đối mặt với áp lực trả nợ lớn. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Việc sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả, chỉ số ICOR (hiệu quả đầu tư) bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn. Bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm trong khi thu ngân sách khó khăn và nợ đọng thuế còn lớn. Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu ở Việt Nam thời gian qua còn được đánh giá là chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại.
Những khó khăn này được ví như phép thử cho Chính phủ nhiệm kỳ mới, đòi hỏi Chính phủ phải có những quyết sách để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn cơ bản như nợ công, bội chi, hiệu quả đầu tư… tạo đà cho tăng trưởng kinh tế 2016.
Báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, trong điều kiện NSNN hạn hẹp, chúng ta phải tập trung huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kết cấu hạ tầng và đáp ứng các yêu cầu chi cấp bách về an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, nợ công tăng nhanh, ở mức cao, dư địa chính sách, nhất là về tài khóa, tiền tệ và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp.
Vào cuối quý II-2016, trước khả năng Việt Nam rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra, lo ngại việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá có thể gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, có nhiều khuyến nghị về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã không được Chính phủ điều chỉnh, thay vào đó, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất.
Trên thực tế, cùng với việc xác định lại mục tiêu, ngay từ khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo bộ máy hành pháp, Thủ tướng Chính phủ đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi phát đi thông điệp về một Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ và kiến tạo. Theo đó, Chính phủ đã đặt ra quyết tâm xóa bỏ rào cản, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển mạnh DN, kiên quyết xóa bỏ các giấy phép con không còn phù hợp, bảo đảm các điều kiện kinh doanh phải lượng hóa được và công khai, minh bạch, khả thi.
Đến nay, một loạt nghị định thay thế các thông tư không phù hợp, gây cản trở kinh doanh đã được Chính phủ ban hành. 8 giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn đã được Chính phủ xác định, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững được xem là giải pháp tối thượng. Bên cạnh đó là các giải pháp thúc đẩy những lĩnh vực chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính… với phương thức chỉ đạo, điều hành chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm cũng như về lâu dài, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 60/2016/NQ-CP về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN.
Coi trọng chất lượng tăng trưởng
Đánh giá về những nỗ lực bước đầu của Chính phủ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ mới mới nhận nhiệm vụ được một thời gian ngắn, nhưng đã đưa ra nhiều sáng kiến, đặc biệt là sáng kiến giúp đỡ hỗ trợ những DN khởi nghiệp. Điều này là rất quan trọng, vì DN khởi nghiệp là tương lai của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, để tăng trưởng năm 2016 cũng như các năm tiếp theo đạt kết quả tốt, về sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ đặc biệt cho các DN. “Trước đây ta đã có các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN, nhưng hoạt động không hiệu quả do vốn èo uột, vì thế hiện nay cần có quỹ ở tầm quốc gia, Chính phủ cần tập trung tăng vốn điều lệ cho quỹ, tiêu chí vay vốn nên thông thoáng hơn so với tiêu chí vay của các ngân hàng thương mại để các DN được vay vốn nhiều hơn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định tăng trưởng kinh tế 2016 khả năng sẽ đạt khoảng 6,3%, đồng thời cho rằng mục tiêu tăng trưởng về mặt số học không quan trọng, mà Chính phủ nên phấn đấu để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đây là mục tiêu Chính phủ cần hướng tới không chỉ trong năm 2016 mà cả về lâu dài. Chuyên gia này cũng nhận định, dù có cải tiến nhưng hệ thống luật lệ vẫn chồng chéo, những thay đổi về thể chế để Việt Nam tiến vào kinh tế thị trường vẫn còn xa. Từ nay đến cuối năm 2016, khoảng thời gian quá ngắn để thay đổi thế chế, vì thế Chính phủ nên tập trung vào những cải tổ mang tính ngắn hạn để thực hiện trong thời gian nhanh nhất.
Bàn về công tác điều hành kinh tế của Chính phủ trong nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2016, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ nên kiên định với các ưu tiên đề ra về cải cách kinh tế vi mô, giữ gìn và củng cố dư địa điều hành chính sách kinh tế vĩ mô như: Giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công, củng cố sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Về dài hạn, cần thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào lượng, chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng lực cạnh tranh và cải cách thể chế.
Nhấn mạnh việc cần phải có sự vào cuộc thực sự của cả bộ máy từ Trung ương đến địa phương, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lưu ý, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP nhưng kết quả thực hiện vẫn còn chậm, điều này là do bộ máy của chúng ta đâu đó còn chưa thực sự thay đổi, chưa vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, vì thế cần phải lưu ý công tác điều hành. Theo chuyên gia Lưu Bích Hồ, Chính phủ phải tập trung giải quyết đến nơi đến chốn những vấn đề đã chọn, nên học theo cách của Bác Hồ, bàn bạc thì dân chủ nhưng khi thực hiện phải nghiêm túc và quyết tâm và phải đo công việc bằng những kết quả cụ thể. “Nếu chỉ có cán bộ chủ chốt quyết liệt mà cán bộ dưới quyền không quyết liệt, không làm đúng trách nhiệm thì chưa chắc mang lại kết quả”, chuyên gia Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.
Có thể nói, để đạt được kết quả cao nhất trong tăng trưởng kinh tế, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2016 của Chính phủ là nặng nề. Tuy nhiên, cùng với các yếu tố thuận lợi như dư địa giải ngân vốn đầu tư vẫn rất lớn, một số mặt hàng công nghiệp có mức tăng trưởng khá vẫn tiếp tục tăng trưởng, vốn FDI tiếp tục tăng, thị trường vốn, tài chính đang chuyển biến tốt hơn… các chuyên gia cho rằng, nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước sẽ góp phần quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế 2016 đạt kết quả cao nhất, với mục tiêu giữ được cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định, hiệu quả.