Lý do để Đông Nam Á xoay trục sang BRICS Những tác động đến BRICS nếu phi USD hóa |
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024 diễn ra tại Nga. |
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á vốn bị kẹt giữa cuộc cạnh tranh quyền lực, thường chọn lập trường trung lập giữa các nước lớn. Tuy nhiên, sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump có thể đang làm thay đổi tính toán của các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhà nghiên cứu Jamil Ghani, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), nhận định: “Nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Trump có thể thúc đẩy các nước Đông Nam Á tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với BRICS, xuất phát từ mối quan ngại về chính sách kinh tế của Mỹ”. Những mối quan ngại này bao gồm việc Mỹ không tham gia các hiệp định thương mại đa phương, ví dụ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, cũng có lo ngại về cam kết cũng như vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khả năng ông Trump sử dụng sức mạnh kinh tế làm vũ khí là những yếu tố có thể đẩy các nước ASEAN đến gần BRICS hơn.
Mỗi quốc gia Đông Nam Á tham gia BRICS đều có mục tiêu quốc gia riêng biệt. Đối với bộ ba Malaysia-Thái Lan-Indonesia, trọng tâm chủ yếu là lợi ích kinh tế và tăng nguồn tài trợ để cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các khoản đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS. Việc tham gia BRICS cũng có thể giúp các nước này cân bằng chiến lược trong sự cạnh tranh địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời duy trì quyền tự chủ của họ trong bối cảnh bất ổn khu vực và toàn cầu.
Đối với Malaysia, quyết định gia nhập BRICS phù hợp với chính sách đối ngoại của Thủ tướng Anwar Ibrahim là cân bằng giữa hai cường quốc. Thủ tướng Anwar đã khẳng định rằng việc tham gia BRICS được thúc đẩy bởi các lợi ích kinh tế và thương mại. Về vấn đề này, với tư cách là một quốc gia hàng hải, Malaysia có thể mở ra một con đường cho hoạt động thương mại và đầu tư gia tăng thông qua hợp tác kinh tế với các nước thành viên BRICS.
Trong khi đó, Indonesia đã tìm kiếm vị thế của một cường quốc trung bình toàn cầu và nâng cao ảnh hưởng ở Nam Bán cầu. Việc tham gia BRICS có thể giúp tăng cường đòn bẩy của Indonesia trên trường quốc tế. Tương tự, đối với Thái Lan, sự tham gia đã được chứng minh là đóng góp cho các mục đích kinh tế và ngoại giao bằng cách tận dụng các nền tảng đa dạng.
Như vậy, động cơ đằng sau việc các quốc gia Đông Nam Á tiến gần hơn đến BRICS, là để duy trì quyền tự chủ và bù đắp cho những bất ổn và thách thức từ chính sách kinh tế bảo hộ của ông Trump.