Cô giáo Cao Thị Xuân tại một tiết dạy ở trường
Chịu khó mới có thành quả
Chưa gặp cô giáo Cao Thị Xuân,ôgiáogiúpkhuIIthoátkhỏivùngtrũnghọcsinhgiỏkết quả bangladesh chúng tôi đã nghe những lời khen không ngớt của Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Thủy - thầy Trần Hải Sâm. Thầy Sâm phấn khởi, cô Xuân được giao nhiệm vụ “rèn quân” môn lịch sử cho 7 em học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và có 5 em đạt giải. Sau đó, cô Xuân tiếp tục đảm nhận bồi dưỡng cho 12 học sinh (cả cụm khu Hai, Phú Lộc) tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thành quả, 12 em đi thi đã có đến 10 em đạt giải. Riêng với Trường THCS Lộc Thủy, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm vừa qua, cả trường có 10 giải thì có đến 5 giải là từ bộ môn lịch sử do cô Xuân bồi dưỡng. Thành tích này đưa trường từ vị trí “top” dưới lên xếp thứ 4 cả huyện về thành tích học sinh giỏi.
Thầy Trần Hải Sâm chia sẻ, lịch sử là môn học khó và không nhiều học sinh thích thú, nhưng cô Cao Thị Xuân đã truyền được nhiệt huyết, cảm hứng đam mê học sử cho các em học sinh. Cô luôn có trách nhiệm với công việc và quan trọng là biết tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp, vận dụng kiến thức mới để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, nâng cao kiến thức cho các học sinh.
Khá khiêm tốn khi nói về thành tích, cô Cao Thị Xuân bộc bạch, có được thành quả đó trước hết là nhờ sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường. Khi nhận được sự động viên kịp thời đã thôi thúc nhiệt huyết của mỗi giáo viên trong trường, khiến giáo viên có trách nhiệm, yêu nghề và yêu học sinh nhiều hơn.
Theo cô Xuân, với môn sử cần sự chịu khó. Bản thân tìm kiếm các nguồn đề hay, hệ thống những kiến thức cơ bản và cùng các em trao đổi để cố gắng giúp các em nhớ các sự kiện. Hàng ngày, theo sát các em, học chắc từng nội dung, không cuốn theo số lượng. Hàng ngày, cô Xuân luôn cập nhật những vấn đề thời sự, từ vấn đề đó đặt ra các mối quan hệ với các bài học để học sinh nắm chắc vấn đề hơn.
Vượt qua khó khăn
Theo thầy Trần Hải Sâm, cái gì cũng phải trải qua khó khăn mới đạt những kết quả. Riêng với cô Xuân, nhà ở xa trường gần 60km, hàng ngày cô phải đi xe buýt để đến trường và gần như cả tuần phải ở lại. Ngoài dạy chính khóa, thời gian còn lại cô tập trung cho việc dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, như những ngày này, kể cả thứ 7 và chủ nhật cô Xuân đều có mặt ở trường.
Cô Cao Thị Xuân bày tỏ, chồng đang công tác trong quân đội, thời gian ở nhà không nhiều, nên gần như một mình lo cho hai con nhỏ. Những hôm dạy tiết đầu tiên, phải kêu hai con dậy vào lúc 5h30 sáng, dù “mắt nhắm mắt mở”, vội vàng cho ăn sáng rồi chở sang nhà ông bà ngoại để nhờ chở đi học, còn bản thân lật đật ra bến xe buýt cho kịp chuyến xe 6h sáng. “Chỉ tội cho hai cháu, mùa hè còn đỡ, còn mùa đông thấy con dậy sớm cũng “xót”, nhất là bé sau mới 3 tuổi nhưng cũng phải thay đổi nếp sinh hoạt vì đặc thù công việc của mẹ nên các cháu cũng quen dần, cô Cao Thị Xuân tâm sự.
Khó khăn là thế, nhưng cô Xuân vẫn lạc quan và nói rằng, nhìn lại mình cũng “sướng” hơn nhiều người. Chỉ cần mình chịu khó, biết sắp xếp công việc, khó khăn cũng sẽ qua. Học sinh Lộc Thủy đa số là học sinh nghèo, chỉ cần thấy các em ham học là cô đủ nhiệt huyết để tiếp tục hành trình gieo chữ.
Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc đánh giá, cô Cao Thị Xuân là giáo viên dạy giỏi. Chỉ tính riêng kỳ thi học sinh cấp huyện và tỉnh vừa qua, học sinh của cô đã đạt 15 giải, đưa giáo dục khu II lên một vị trí mới trong huyện. Với những thành tích đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kịp thời khen thưởng để động viên. Đó cũng là tấm gương điển hình để ngành giáo dục huyện nhà phấn đấu.
Bài, ảnh: Đức Quang