| Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dù đã qua nửa đầu năm nhưng vẫn còn vốn đầu tư chưa được phân bổ. Ảnh: Internet. |
Còn hơn 58 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư chưa phân bổ Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 6, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đã phân bổ là 527.235 tỷ đồng, đạt 97,26% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 43.549 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương mà các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là 483.685 tỷ đồng, đạt 89,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. Như vậy, tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 58.420 tỷ đồng, chiếm 10,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, tại nhóm các bộ, cơ quan trung ương có số vốn chưa phân bổ là 7.071 tỷ đồng (chiếm 6,40% kế hoạch); còn tại nhóm các địa phương thì số vốn chưa phân bổ là 51.348 tỷ đồng (chiếm 11,90% kế hoạch). Bộ Tài chính cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dù đã qua nửa đầu năm nhưng vẫn còn vốn đầu tư chưa được phân bổ. Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, đến hết tháng 6 có 9/51 bộ và 6/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Nguyên nhân là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, đến hết tháng 6 có 42/63 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 11/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau. Điều chỉnh các tồn tại trong phân bổ vốn Tổng hợp báo cáo kết quả của 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Chính phủ cho thấy, nhìn chung, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trong phạm vi kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Còn đối với số vốn chưa được phân bổ, nhiều ý kiến cho rằng việc phân bổ vốn chậm và không hết nguồn vốn được giao đã làm giảm hiệu quả của công tác đầu tư công vì nguồn vốn không đi được vào xã hội, không đến được với các dự án, công trình để mang lại nhiều nguồn lợi to lớn hơn cho xã hội, cho đất nước. Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ vốn kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chi tiết cho các dự án; rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các tồn tại trong phân bổ vốn để đảm bảo việc phân bổ kế hoạch vốn tuân thủ theo đúng quy định. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu tư nhưng đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần vốn. |