Tăng trưởng vượt bậc so với kế hoạch
Theămcáccảnghàngkhônglậpkỷlụcđóntriệukháltd cup c2o Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, năm 2017, ACV đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực điều hành khai thác cảng; đầu tư nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa hạ tầng các cảng hàng không với trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn cho các chuyến bay và hoạt động bay tại các cảng hàng không trong mọi tình huống; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển dịch vụ hàng không và phi hàng không, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của ngành hàng không; đảm bảo an ninh quốc phòng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, ACV đã triển khai 6 dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng với tổng đầu tư 6.050 tỷ đồng trong tổng chi phí hoạt động của năm 2017 (ước tính khoảng 9.625 tỷ đồng). Cụ thể: Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất tiếp tục thực hiện đầu tư dự án mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế (giai đoạn 2); mở rộng sân đỗ máy bay (21ha) với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Cảng HKQT Nội Bài thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa Nhà ga T1; mở rộng sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Cảng HKQT Đà Nẵng là dự án đầu tư xây dựng Nhà khách VIP và cải tạo nâng cấp sân đỗ máy bay trước Nhà ga quốc tế đã phục vụ Hội nghị APEC Việt Nam 2017 với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng.
Tại Cảng HKQT Phú Quốc đã thực hiện đầu tư dự án mở rộng Nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Tại Cảng hàng không Phù Cát là dự án xây dựng, mở rộng nhà ga hành khách công suất 2 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Cảng hàng không Chu Lai đã thực hiện cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay để đảm bảo khai thác với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. ACV thực hiện các công tác chuẩn bị cho Dự án nâng cao năng lực khai thác tại Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Tân Sơn Nhất. Riêng đối với Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, tổng công ty đã tập trung triển khai các công đoạn chuẩn bị để dự án có thể khởi công theo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
Năm 2017, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của ACV đạt hơn 94 triệu hành khách, tăng 16% so với thực hiện năm 2016. Sản lượng hàng hóa – bưu kiện vận chuyển đạt 1.338.565 tấn, tăng 19% so với thực hiện năm 2016. Sản lượng cất hạ cánh (ước) đạt 611.165 lượt/chuyến, tăng 10% so với thực hiện năm 2016. Các kết quả này vượt khá xa mục tiêu mà Đại hội cổ dông thông qua vào giữa năm 2017 là 91 triệu lượt khách cùng với tổng lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến đạt 1.180 ngàn tấn, tăng 5%, và số chuyến bay cất hạ cánh đạt 617 ngàn lượt/chuyến.
Theo ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, với những thành tựu đầy ấn tượng của ACV trong năm 2017 đã khẳng định sự phát triển đúng hướng và bền vững của ngành hàng không Việt Nam cũng như tính hiệu quả trong hoạt động đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hàng không. Đó chính là lý do để ngành hàng không Việt Nam được tin tưởng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trở thành một trong những nhân tố quyết định cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; phấn đấu để thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN.
Tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng chất lượng dịch vụ
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết thêm, năm 2018, đặc biệt là dịp cao điểm Tết Nguyên đán, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không, phục vụ tốt hành khách, lãnh đạo ACV chỉ đạo các cảng hàng không, chi nhánh trực thuộc đảm bảo hoàn thành việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, thi công cải tạo hạ tầng, các trang thiết bị phục vụ; tổ chức kiểm tra, rà soát các quy trình vận hành khai thác nhà ga, sân đỗ tàu bay; bố trí quầy thủ tục hàng không, cửa ra tàu bay, phân luồng tuyến giao thông ra vào Cảng, quy trình taxi, bãi đỗ xe đưa/đón hành khách đảm bảo linh hoạt, tránh ùn tắc; xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh an toàn tuyệt đối trong khai thác. Tăng cường tối đa nhân sự kiểm tra, tuần tra, giám sát, kiểm soát các khu vực trên địa bàn cảng hàng không như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, sân đỗ ô tô và các cổng cửa…
Đảm bảo các tiện ích phục vụ hành khách tại nhà ga như: wifi, nước uống miễn phí; yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không đảm bảo thời gian phục vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai; xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó với các tình huống bất thường, lập tình huống giả định và các phương án xử lý các sự cố về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, mất điện, hỏng hóc thiết bị, hacker mạng…
Ngoài các cảng hàng không đang hoạt động 24/24 giờ, tổng công ty thực hiện triển khai kéo dài thời gian hoạt động đến 24h tại 4 cảng hàng không: Phù Bài, Thọ Xuân, Chu Lai và Phù Cát nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác của các hãng hàng không nội địa.
Riêng đối với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, nhằm đảm bảo an ninh an toàn và giảm ùn tắc giao thông, ACV sẽ tổ chức quy hoạch lại giao thông, bố trí luồng taxi trả/đón khách; sắp xếp các vị trí cho bãi đỗ xa cho các xe buýt, xe trên 25 chỗ tránh tiếp cận giao thông trước nhà ga, đảm bảo không gây ùn tắc.
“Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng, phát triển của vận tải hàng không trong nước và quốc tế, năm 2018, ACV cũng cam kết tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; cũng như sẽ tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ; đảm bảo tuyệt đối an ninh an toàn cho các chuyến bay và hoạt động bay tại các cảng hàng không trong mọi tình huống; đảm bảo an ninh quốc phòng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, năng động, hấp dẫn hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết thêm.
Trí Dũng