Khó tiếp cận thông tin
Có thể nói rằng,ỗtrợDoanhnghiệpkhởinghiệpNghịquyếtcầncụthểhơnnữu19 barca Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời với tôn chỉ coi DN là trung tâm phát triển, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với nhóm DN khởi nghiệp. Điều đó được thể hiện với những hành động cụ thể nhắm đến nhóm DN này như: Rà soát giảm chi phí cho DN, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp… với tinh thần lấy DN là đối tượng phục vụ.
Nói về những khó khăn khi khởi nghiệp, phần lớn DN đều nhận định rằng bên cạnh những vấn đề từ nội tại DN như kĩ năng quản lý, kĩ năng điều hành… thì yếu tố tác động bên ngoài đó là khó khăn về tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin, cơ chế chính sách ngặt nghèo. Bởi vậy Nghị quyết 35 ra đời với sự kỳ vọng của Nhà nước về việc xóa bỏ những rào cản trên con đường vươn tới thành công của DN trẻ. Tuy nhiên, nhận định về những chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhiều DN tỏ ra không kỳ vọng bởi những khó khăn mà DN gặp phải khi khởi nghiệp tồn tại từ rất nhiều năm nay và hiếm có DN nào nhận được những hỗ trợ thiết thực về vốn cũng như cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ Nambros cho biết: “Ngay từ khi bắt đầu khởi nghiệp, chưa nói đến những hỗ trợ cụ thể, khó khăn đầu tiên của chúng tôi là việc tiếp cận thông tin chính sách hỗ trợ. Nghị quyết 35 có quy định Nhà nước sẽ ưu đãi cho chúng tôi về vốn, về thuế nhưng chúng tôi không biết được nhận ưu đãi này từ những đơn vị nào, ngân hàng nào đang cho vay ưu đãi, cơ quan nào đang hỗ trợ về công nghệ kĩ thuật… DN trẻ như chúng tôi luôn bị động trong thông tin dù đã nỗ lực tìm kiếm”.
Ông Nguyễn Hoàng Nam cũng chia sẻ, DN khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi với nền kinh tế thị trường phát triển liên tục như hiện nay, những DN trẻ luôn phải tìm hướng kinh doanh nhanh, mới lạ, đột phá. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng DN nhanh nhưng cơ chế không theo kịp, mà mới lạ thì không được quy định trong luật. Bởi vậy với những DN đi theo hướng mới, Nghị quyết 35 gần như không “kích thích” được sự phát triển của DN.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nhìn chung nỗ lực của Chính phủ trong đổi mới môi trường kinh doanh cho DN trong đó có cả nhóm DN trẻ hầu như chỉ tới được với những DN lớn, DN vừa. Còn với DN trẻ đang trên con đường khởi nghiệp, họ chưa thực sự nhìn nhận và “thấm” được những chính sách này và cho rằng nó khó có thể tiếp cận.
Phải chỉ mặt điểm tên từng ngành
Nhận xét về Nghị quyết 35, nhiều DN đánh giá cao sự vào cuộc của Nhà nước trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, để Nghị định này thực sự đạt được hiệu quả, theo ông Đỗ Hồng Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần kết cấu thép Vsteel, cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả cho DN, nhất là DN khởi nghiệp. Đồng thời cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính. “Nghị quyết 35 đã đề cập tới vấn đề này nhưng vẫn còn chung chung. Tôi nghĩ, Chính phủ nên có động thái “chỉ mặt điểm tên” từng ngành, từng đơn vị cụ thể. Ví dụ như điểm tên cụ thể những ngân hàng sẽ cho vay vốn, cho vay bao nhiêu tiền, lãi suất ưu đãi như thế nào… Có như vậy DN mới có thể thực sự thấy được hiệu quả của Nghị quyết 35”, ông Đỗ Hồng Thái đề xuất.
Ở một khía cạnh khác, ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội cho rằng: “Nhà nước không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải bảo đảm an toàn cho DN. Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính để nâng cao niềm tin và sự dấn thân của DN vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo rốt ráo từ trên tới từng đơn vị trực thuộc chứ không chỉ điểm tên những ngành chung chung. Có như vậy mới phát huy được tinh thần của Nghị quyết 35 là lấy DN làm đối tượng phục vụ”.
Đại diện một DN trẻ đề xuất, bên cạnh sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ cũng nên có chính sách khuyến khích các DN lớn mạnh, có tiềm lực tài chính chủ động tham gia tích cực tư vấn, hỗ trợ tài chính đối với các chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần thêm vào vai trò của các Hiệp hội nông dân, hiệp hội kinh doanh, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.