Cả nước giải ngân mới đạt 55,ứttốctrongchặngnướcrúwolves vs brentford8% kế hoạch Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, nguồn vốn đầu tư công năm 2021 ước thanh toán đến hết tháng 10/2021 là trên 257.387 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,25%). Trong đó, vốn trong nước đạt 52,41% (cùng kỳ năm 2020 là 72,75%); vốn nước ngoài đạt 15,29% (cùng kỳ năm 2020 đạt 30,15%). Nguyên nhân chung dẫn đến việc giải ngân chậm vẫn là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết các địa phương làm cho việc cung cấp vật tư gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa cần nhập khẩu. Hơn nữa, do phải thực hiện giãn cách nên tại nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan hành chính làm việc qua hệ thống công nghệ thông tin gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công việc, đặc biệt trong công tác thẩm định tại các cơ quan chuyên ngành. Ngoài ra, tại mỗi địa phương cũng gặp những khó khăn riêng. Đơn cử như tại An Giang - địa phương đang nằm trong danh sách giải ngân dưới 50% kế hoạch cũng đối mặt với khó khăn khi 20% kế hoạch vốn chưa thể phân bổ cho các dự án khởi công mới vì chưa đảm bảo đủ điều kiện và thủ tục theo quy định pháp luật. Cùng với đó, nhiều dự án tại địa phương đang bị vướng trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi đơn giá bồi thường chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường chưa đồng nhất, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, cho đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại An Giang mới đạt gần 27% kế hoạch vốn được giao.
Ngay cả tại Hải Phòng – địa phương đứng vị trí thứ 4 trong 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về tỷ lệ giải ngân cao cũng không tránh khỏi những vướng mắc, phát sinh như: UBND các quận, huyện chưa tích cực trong giải phóng mặt bằng các dự án của thành phố trên địa bàn; trong việc xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại Hải Phòng, một số huyện chưa tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện... Do đó, tiến độ triển khai thực hiện một số công trình còn chậm, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng các công trình. Chạy nước rút để giải ngân đúng tiến độ Xác định giải ngân vốn đầu tư công không chỉ đơn thuần góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Vì thế, các địa phương đã tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, bứt tốc trong chặng nước rút giải ngân vốn đầu tư từ nay đến cuối năm, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, tại An Giang, xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong 2 tháng cuối năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đảm bảo lưu thông, cung ứng vật liệu xây dựng; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục các dự án trong năm 2021 và cả những dự án các năm sau, để chủ động thực hiện hiệu quả các dự án, đảm bảo công tác giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ… Tại Hải Phòng, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng đã đưa ra chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, Hải Phòng đã thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Đáng chú ý, với trọng trách của mình, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân nhóm đối tượng, phân tích rõ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân thấp do các nguyên nhân khách quan để có đề xuất phù hợp, tạo điều kiện để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có vốn để triển khai dự án trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương cần chủ động rà soát các dự án có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn dưới 60% để kịp thời có phương án điều chỉnh vốn cho các dự án khác cần vốn và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao. Cùng “sốt ruột” với các địa phương, ngày 25/10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện 7776/CĐ-VPCP về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Theo nội dung công điện, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, vai trò của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại đơn vị mình; thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Với các giải pháp đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện cùng với việc “thúc” của Chính phủ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chắc chắn sẽ được cải thiện để đạt tỷ lệ cao nhất khi kết thúc năm ngân sách.
|