Mặc dù những phương thức thanh toán đó có thể là giải pháp ứng phó nhưng cũng có thể dẫn đến bất ổn tài chính. Bà Kassandra Martinchek, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Đô thị, cho biết tốc độ tăng giá đang chậm lại, nhưng các hộ gia đình hiện nay vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho hàng tạp hóa so với năm ngoái. Theo bà Martinchek, nhiều người Mỹ đang phải dựa vào các nguồn thanh khoản khác ngoài thu nhập để đáp ứng những nhu cầu cơ bản như thực phẩm. Bà Martinchek lưu ý không chỉ những người gặp khó khăn nhất về tài chính mới trải qua thách thức này. Người tiêu dùng đã phải vật lộn với giá thực phẩm cao hơn kể từ năm 2021. Đối với một số người, việc đối phó với sự gia tăng chi phí này trở nên khó khăn hơn khi khoản viện trợ thời đại dịch kết thúc. Các khoản phân bổ thêm theo Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), đã hết hạn vào tháng 3/2023, khiến mỗi cá nhân trung bình nhận ít hơn khoảng 90 USD tiền trợ cấp mỗi tháng. Nghiên cứu cho thấy khoảng 70% tất cả các giao dịch hàng tạp hóa đều thông qua thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Những phương thức thanh toán đó tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt đối với những người tiêu dùng không thể thanh toán đầy đủ dư nợ. Ông Bruce McClary, Phó Chủ tịch cấp cao của Quỹ Tư vấn Tín dụng Quốc gia, cho rằng hạn mức thẻ tín dụng chưa sử dụng tới đôi khi giống như một chiếc phao cứu sinh, song trong một số trường hợp, chiếc phao cứu sinh này có thể trở thành gánh nặng. Viện Đô thị cho hay các hộ gia đình có mức độ mất an ninh lương thực cao hơn có thể viện đến các khoản vay ngắn hạn, chương trình mua trước trả sau hoặc sử dụng tiền tiết kiệm để chi trả cho các nhu cầu cơ bản. Theo nghiên cứu của Viện Đô thị, một số thay đổi chính sách nhất định có thể giúp giảm bớt những khó khăn trên, chẳng hạn như tăng SNAP và các hỗ trợ mạng lưới an toàn xã hội khác; mở rộng những lựa chọn tài chính để giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn và cung cấp rộng rãi hơn các dịch vụ tư vấn tín dụng và quản lý nợ. |