发布时间:2025-01-10 22:49:14 来源:Empire777 作者:Thể thao
Nhìn một cách tổng thể, các hoạt động khoa học - công nghệ trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, rất nhiều đề tài, dự án khoa học sau khi đã được nghiệm thu nhưng việc ứng dụng và nhân rộng vẫn còn rất hạn chế. Điểm nghẽn ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quản lý cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.
Năm 2014, toàn tỉnh có đến 17 đề tài, dự án khoa học được tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện với 3 chương trình lớn như: Ðề án khung Bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh (4 đề tài), chương trình ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học (4 đề tài) và 9 đề tài, dự án khoa học do các ngành và tổ chức khoa học đăng ký.
Tín hiệu vui
Ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, cho biết, đến nay chỉ có 14 đề tài, dự án được triển khai. Do sau khi hội đồng xét duyệt thẩm định có 2 đề tài trùng lấp, không có tính mới và chưa có phương án phối hợp thực hiện nên buộc phải dừng, còn lại 1 đề tài đã có kết quả nghiên cứu, nhưng do công tác chuẩn bị chưa tốt nên chưa thể tiếp nhận.
Giống lúa cấp xác nhận đã được đưa ra sản xuất đại trà, mang lại năng suất cao cho các cánh đồng mẫu lớn. (Trong ảnh: Cánh đồng mẫu lớn xã Tân Lộc, huyện Thới Bình). |
Ðánh giá về nội dung các đề tài cũng như khả năng ứng dụng vào thực tế, ông Vinh nhận định, đa phần các đề tài dự án khoa học thời gian qua đều tập trung vào lĩnh vực phát triển sản xuất. Trong đó, nổi bật là việc khôi phục các nguồn gen quý nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng như nghiên cứu các quy trình sản xuất mới thiên về sử dụng các chế phẩm sinh học, ít ảnh hưởng đến môi trường và phát triển bền vững.
Một trong những kết quả mà các hoạt động khoa học công nghệ đã mang đến trên địa bàn có thể kể đến chính là việc phục tráng các giống lúa siêu nguyên chủng để cho ra lúa giống cấp xác nhận phục vụ sản xuất đại trà của người dân. Phục tráng thành công giống gà tàu chân vàng. Phát triển giống chuối năng suất cao, hay quy trình nuôi tôm công nghệ xanh tuần hoàn nước chỉ sử dụng chế phẩm sinh học...
Ông Vinh cho biết thêm, sau khi giống lúa cấp xác nhận được đưa vào sản xuất đại trà đồng ruộng trở nên đồng đều hơn, năng suất tăng lên từ 10-15% so với trước. Ngoài ra, theo ông Vinh nhận định, quy trình nuôi tôm bằng công nghệ xanh và tuần hoàn nước nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ là hướng đi bền vững cho con tôm của tỉnh.
Chưa ứng dụng rộng rãi
Tuy nhiên, một thực tế có thể thấy những kết quả trên chỉ là số ít trong rất nhiều đề tài, dự án khoa học đã được nghiệm thu thời gian qua. Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều đề tài sau khi được nghiệm thu và được đánh giá là sẽ mang lại giá trị trong thực tiễn sản xuất nhưng rất khó triển khai rộng rãi. Cụ thể như dự án phục tráng giống gà tàu chân vàng, mặc dù có nhiều thành công bước đầu và đang trong giai đoạn triển khai nhân rộng tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh. Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau Phạm Văn Mịch chia sẻ, song song với công tác nhân giống để cung cấp cho người dân, trung tâm còn tiến hành xây dựng lại thị trường. Tuy nhiên, khi đem ra chợ các thương lái cho là không phải giống gà tàu vườn.
Như vậy, có thể thấy điểm nghẽn lớn nhất trong việc đưa các đề tài ứng dụng vào thực tiễn là sự chi phối của thị trường. Chuỗi liên kết "4 nhà" chưa được tổ chức thực hiện tốt, cụ thể ở đây chính là nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa thể gặp nhau. Ông Nguyễn Thành Vinh cho biết, không phải hiện nay tỉnh không có giống mía cho năng suất, chất lượng cao mà do nông dân và doanh nghiệp chưa có tiếng nói chung khiến giá trị sản phẩm của người dân khi làm còn thấp. Từ đó, công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong thực tiễn sản xuất của người dân phần nào bị ảnh hưởng.
Thành viên tham gia đề tài khảo nghiệm giống lúa chịu mặn đang kiểm tra, đo đạc thông số kỹ thuật các giống lúa được triển khai tại xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. |
Ông Vinh cho biết thêm, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn ra nhiều năm và diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy địa phương hay ngành nào đề xuất dự án, đề tài khoa học mang tính đột phá để khắc phục tình trạng trên. Ðiều đó cho thấy sự quan tâm của ngành và địa phương trong phát triển khoa học công nghệ chưa thật sự cao. Ngoài ra, nguồn kinh phí để triển khai nhân rộng các đề tài khoa học công nghệ sau khi được nghiệm thu còn hạn chế; dẫn đến tiến bộ khoa học công nghệ chưa ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai và tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy chế quản lý khoa học công nghệ theo Luật Khoa học công nghệ năm 2013. Theo đó, những khó khăn vướng mắc trên sẽ cơ bản được tháo gỡ nếu luật mới đi vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Thành Vinh cho biết, những điểm mới trong Luật Quản lý khoa học là việc các sở, ngành sẽ đặt hàng các đề tài, dự án khoa học theo thực tế địa phương. Sau đó, sẽ tổ chức đấu thầu các đề tài, dự án khoa học khi đã được duyệt. Từ đó, sẽ tạo ra tính công khai minh bạch trong các hoạt động khoa học công nghệ. Ngoài ra, thông qua việc thành lập Quỹ Khoa học công nghệ tỉnh, kinh phí trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ không còn phụ thuộc vào ngân sách năm mà theo nhiệm vụ khoa học công nghệ, hễ phát sinh nhiệm vụ khoa học lúc nào thì kinh phí sẽ được phân bổ lúc ấy./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú
相关文章
随便看看