Xanh hóa ngành dệt may từ những doanh nghiệp tiên phong Gợi ý 10 mô hình tuần hoàn để xanh hóa ngành xây dựng |
| Các khách mời trao đổi tại tọa đàm |
Ngày 27/11, Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh tổ chức tọa đàm: Kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon – Con đường tất yếu. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động hướng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, nhằm góp phần truyền thông, phản biện chính sách, thúc đẩy việc thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26. Theo các chuyên gia, bên cạnh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26 về việc giảm phát thải ròng bằng 0 - Net zero vào 2050, vấn đề giảm phát thải, giữ vững môi trường, phát triển bền vững hiện cũng đã trở thành luật chơi mới về thương mại, đầu tư toàn cầu. Liên minh châu Âu đã kích hoạt Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM từ ngày 1/10/2023 cho 6 ngành có mức độ thương mại hóa quốc tế cao là thép, nhôm, phân bón, xi măng, điện và hydro... Luật chơi mới này buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi nhận thức và hành động chuyển dần từ nền kinh tế tuyến tính sử dụng tài nguyên một lần sang mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên nhằm phát triển bền vững. Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã chia sẻ những mô hình kinh tế tuần hoàn tiên phong tại Việt Nam với những lợi ích to lớn. Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam cho biết, các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng. Một số sáng kiến của Nestlé Việt Nam có thể kể đến như sử dụng nhựa PE tái sinh cho bao bì sản phẩm NESCAFÉ, chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền. Hiện Nestlé Việt Nam cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp giúp tái chế dễ dàng hơn. Trong sản xuất, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “Không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé Việt Nam được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững Heineken Việt Nam cũng cho biết, Heineken Việt Nam đã đạt “không rác thải chôn lấp” tại tất cả 6 nhà máy từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với tham vọng của Heineken Việt Nam và Heineken toàn cầu. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho hay, Heineken Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE của tổ chức Ellen MacArthur Foundation, trong đó Re (Regenerate) là tái tạo; S (Share) là chia sẻ; (Optimize) là tối ưu hóa; L (Loop) là tuần hoàn; V (Virtualize) là số hóa; E (Exchange) là đổi mới. Về tái tạo, Heineken Việt Nam đã thu hồi biogas từ quy trình xử lý nước thải để làm nhiệt năng trong nấu bia. Đối với chia sẻ và tuần hoàn trong bao bì, tất cả bao bì sản phẩm của Heineken Việt Nam đều có thể tái chế, hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ 5 đến hơn 10 năm, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần, lon nhôm được sản xuất với 40% nguyên liệu nhôm tái chế và 100% nguyên liệu giấy tái chế được dùng để sản xuất thùng carton. Heineken Việt Nam cũng tối ưu hóa trong kho vận, vận chuyển và sử dụng nguyên liệu trong sản xuất bao bì. Thùng carton với thiết kế sóng T đã giúp giảm hơn 3% nguyên liệu giấy. Lon nhôm, với thiết kế tối ưu hóa kích cỡ và độ dày của lon và nắp đã giúp giảm hơn 5% nguyên liệu nhôm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của bao bì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, Heineken Việt Nam đã số hóa trong hoạt động văn phòng và sự kiện; đổi mới trong làm lạnh và kho vận, tủ lạnh xanh tiết kiệm điện, giúp giảm 63% phát thải CO2 và sử dụng xe nâng điện trong kho vận. Từ những kinh nghiệm đúc kết tại Heineken, bà Lê Ngọc Ngọc Mỹ cho rằng, để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, điểm mấu chốt là cần cần nâng cao nhận thức và năng lực. Cụ thể, từ năm 2018, Heineken đã mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo cho cán bộ chủ chốt của công ty về kinh tế tuần hoàn; tiếp đó là những hội thảo nhằm nâng cao nhận thức cho nhân viên và cả cộng đồng bên ngoài gồm sinh viên, đối tác trong chuỗi cung ứng và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Heineken cũng có nhiều hoạt động giúp lan tỏa thực hành kinh tế tuần hoàn trong nội bộ công ty cũng như bên ngoài, trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày. Các khách mời tại tọa đàm cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc lan tỏa mạnh mẽ những hành động chuyển đổi xanh của các ngành, đơn vị, địa phương, thay đổi và nâng cao nhận thức, hành vi của cộng đồng. Qua đó góp phần hiện thực hóa công cuộc chuyển dịch xanh, thúc đẩy thực hiện các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 Trong khuôn khổ tọa đàm, Câu lạc bộ Báo chí phát triển xanh đã chính thức công bố giải Báo chí Phát triển Xanh thường niên lần thứ I. Giải báo chí Phát triển Xanh là hoạt động góp phần tuyên truyền, truyền thông; tham vấn, phản biện chính sách; thúc đẩy thực hiện kịp thời các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 và tăng cường thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tài chính xanh, thúc đẩy thị trường carbon… Tại lễ công bố, Tập đoàn VinaCapital đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh. Trong đó Tập đoàn VinaCapital cam kết đồng hành cùng Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh với mong muốn góp phần tạo nên hiệu ứng tích cực bằng việc thúc đẩy các sáng kiến quan trọng cũng như nâng cao nhận thức về sự cần thiết và trách nhiệm tiên phong của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. |