Chết yểu 10 năm trước Tại cuộc tọa đàm “Chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam: Sự bùng nổ và thách thức”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã có mặt ở Việt Nam cách đây 10 năm trước với những “tên tuổi” đầu tiên là hệ thống cửa hàng G7. Nhưng tiếc rằng, thời điểm chuỗi cửa hàng này đã không thành công. Một nguyên nhân lớn nhất khiến mô hình này thời kỳ đầu chưa thành công vì người dân chưa quen với chữ “tiện lợi”. Thời điểm đó, người tiêu dùng còn so sánh giá mua hàng giữa cửa hàng tiện lợi với chợ và siêu thị, bởi khi có sự tiện lợi thì giá cả lại đắt hơn. “Người tiêu dùng hoàn toàn không có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị trả tiền cho sự tiện lợi ấy”, bà Loan nói. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã trở lại như một trào lưu. Theo nghiên cứu của Công ty Neilsen Việt Nam, hiện nay, chuỗi cửa hàng tiện lợi ở TP. HCM nhiều hơn ở Hà Nội rất nhiều. "Trước đây, nếu hỏi ai đã vào cửa hàng tiện ích rồi thì rất ít người trả lời là có, nhưng gần đây chỉ cần đặt câu hỏi những ai đi cửa hàng tiện ích trong 1 tuần qua thì câu trả lời nhận được là rất nhiều người đã sử dụng dịch vụ này", nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam chỉ rõ. Bốn nhóm đối tượng mua sắm nhiều nhất ở cửa hàng tiện ích là sinh viên, người mới đi làm, phụ nữ công sở, phụ nữ nội trợ. Sinh viên họ coi cửa hàng tiện ích là nơi tụ tập, bên cạnh việc mua sắm. Người đi làm bận rộn thì cửa hàng tiện ích cũng mang lại những sự tiện lợi”, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc cấp cao bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Công ty Nielsen Việt Nam đánh giá. Cũng theo bà Loan, đây cũng là trào lưu trên thế giới khi siêu thị, trung tâm thương mại chưa phát huy được vai trò của mình. Thay đổi số phận 10 năm về trước mô hình này đã “chết yểu”, vậy sự trở lại của mô hình cửa hàng tiện lợi lần này có thay được số phận hay không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Chia sẻ về vấn đề này, bà Quỳnh cho hay, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển kênh mua sắm tiện lợi như số lượng dân số trẻ chiếm tới 57%,13 % dân số tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu chi tiêu lớn nên họ đòi hỏi rất lớn trong mua sắm, phải sáng tạo hơn, bắt mắt hơn. Ngoài việc mua sắm cho gia đình thì người tiêu dùng còn có nhu cầu mua sắm cho chính bản thân mình một cách tiện lợi nhất, nhanh nhất. Đặc biệt, động lực chính cho sự phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là sự phát triển của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ tăng gần gấp 3 đến năm 2020. “Họ sẽ là người tạo ra động lực tăng trưởng trong tương lai của thị trường này”, bà Quỳnh nhận định. Một nhân tố khác giúp cho mô hình này có thể phát triển ở Việt Nam được bà Hương nêu ra là, hiện nay 69.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi Trung Quốc là 21.000 người trong khi Hàn Quốc là 1.800 người/1 siêu thị tiện ích. "Chúng ta không so sánh với Hàn Quốc hay Trung Quốc, nhưng nếu nhìn vào số lượng của Trung Quốc thì thấy rằng, số lượng cửa hàng tiện ích của Việt Nam phải tăng gấp 3 lần nữa”, bà Quỳnh nói. Không chỉ người tiêu dùng thấy được lợi ích của mô hình cửa hàng tiện lợi mà nhiều doanh nghiệp cũng có động thái đầu tư phát triển mô hình này. Báo cáo của Nielsen cũng dẫn ý kiến của lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng hiện có nhiều tín hiệu lạc quan về sự phát triển của cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Cụ thể, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Vingroup cho biết, Vingroup đã có kế hoạch phát triển 100 siêu thị, 1.000 cửa hàng tiện lợi đến năm 2017 nhằm tạo việc làm cho 20.000 lao động Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó Giám đốc Saigon Coop cũng cho biết, năm 2015 Co.op Foods dự tính sẽ mở 150 cửa hàng. |