CPI tăng có nguyên nhân từ học phí,ạmphátCânnhắccẩntrọngviệctăngviệnphíhọcphísoi kèo tottenham hôm nay viện phí
Ngày 7/7, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính đã tổ chức hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016.
Theo các báo cáo tại hội thảo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 đã tăng 0,46% so với tháng 5/2016; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước.
Đóng góp trong rổ chỉ số tính giá chung trong 6 tháng qua, chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới 26,39% và chiếm tỷ trọng 5% trong rổ hàng hóa CPI. Mức tăng này đóng góp khoảng 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung là 2,35%.
Trong đó, riêng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 1 từ 1/3 đã đẩy giá các mặt hàng dich vụ y tế tăng 23,12%, góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,86% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,22%.
Với hai biến số này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình, nhất là giá dịch vụ y tế bước 2 sẽ do các địa phương chủ động điều chỉnh, sẽ tác động mạnh đến chỉ số giá của cả năm 2016.
Tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc điều chỉnh đồng loạt các mặt hàng y tế và giáo dục theo lộ trình; cộng với thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của cung tiền; áp lực tỷ giá... sẽ tác động khiến CPI cả năm 2016 dự báo dao động ở mức 4,8 – 5,2%.
PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.L |
Còn theo TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm Thông tin thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương, dự báo cả năm 2016 CPI sẽ ở mức 5 – 5,5% so với tháng 12/2015, do giá cả hàng hóa thế giới đang có xu hướng tăng, cộng với giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ điều chỉnh bước 2 theo lộ trình, khả năng tăng trưởng tín dụng 2016 sẽ ở mức 20% tác động đẩy mặt bằng giá tăng cao...
Trong khi đó, nếu loại trừ hai yếu tố dịch vụ y tế và giáo dục này, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, với thực trạng GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,52%, lạm phát cao trong thời gian tới sẽ chưa thể xảy ra. Cụ thể, CPI có thể đạt đỉnh vào tháng 7 – 8/2016 và sau đó sẽ bắt đầu xu hướng giảm. Trong vòng 12 tháng tới, lạm phát so với cùng kỳ năm trước được dự báo sẽ chỉ xoay quanh mức 1% như hiện nay, trong đó đã loại trừ yếu tố giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Thực tế cho thấy, lạm phát cơ bản theo thước đo CPI (sau khi loại trừ lương thực - thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), tháng 6/2016 cũng chỉ tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,8%.
Nên điều chỉnh giá theo phương án nào?
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, số liệu ước tính cho thấy, cứ 1 điểm phần trăm tăng lên của giá dịch vụ y tế sẽ làm cho CPI tăng lên 0,07% điểm phần trăm. Chính vì vậy, việc phối hợp điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất quan trọng.
Vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục thời gian tới sẽ như thế nào để vừa đạt được mục tiêu đưa giá hai mặt hàng thiết yếu này theo lộ trình thị trường đã đặt ra, vừa bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?
Trong bài phát biểu được gửi tới hội thảo, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất, có thể tăng giá dịch vụ giáo dục 1 lần vào tháng 9/2016 với mức tăng khoảng 10%, còn việc tăng giá dịch vụ y tế nên cân nhắc cẩn trọng hơn sau khi đã tăng sốc vào tháng 3/2016.
Phương án tăng giá dịch vụ y tế, theo TS. Vũ Đình Ánh, nên thực hiện vào tháng 11/2016 sau khi đã có diễn biến CPI 10 tháng. Nếu CPI 10 tháng so với cuối năm 2015 chỉ tăng khoảng 4% thì có thể điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế khoảng 7%, ngược lại nếu trên 4% thì không nên tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế nửa cuối năm 2016 nữa.
Còn theo bà Trần Thị Huế, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế (viện phí) sẽ thực hiện vào cuối tháng 8/2016 với mức tăng khoảng 50% so với lần điều chỉnh đợt tháng 3 vừa qua. Trước mắt, viện phí sẽ tăng tại những tỉnh, thành phố có số người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao.
Cụ thể, mỗi đợt điều chỉnh giá viện phí sẽ thực hiện ở 8 – 12 tỉnh, thành phố. Vào đợt tăng viện phí gần nhất dự kiến áp dụng từ tháng 8 tới tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt 2 vào tháng 10/2016 tại các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 90% và mức tác động CPI thấp. Đợt 3 được thực hiện tại tháng 11 tại nơi có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 85%; đợt 4 vào tháng 12 tại địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 80%. Đợt 5 vào tháng 1/2017 sẽ điều chỉnh tại các tỉnh còn lại.
Tuy nhiên bà Huế cho rằng, theo tính toán, việc thực hiện lộ trình tăng viện phí tính cả tiền lương thì giá dịch vụ y tế tác động vào CPI từ nay đến cuối năm cũng chỉ ở mức dưới 2%.
Mặc dù cho đến thời điểm này, phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 07/6/2016, nhưng theo bà Phùng Thị Ánh Ngọc, Phó trưởng Phòng Phân tích tổng hợp dự báo, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của việc thực hiện đến CPI chung của cả nước và của từng địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án tổ chức thực hiện điều chỉnh giá mặt hàng này làm nhiều đợt, vào các thời điểm khác nhau, tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng thời điểm và sẽ tránh điều chỉnh vào thời điểm đầu năm học mới.
Cũng theo bà Ngọc, dự kiến trong năm học 2016 – 2017, giá dịch vụ giáo dục sẽ tiếp tục được các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo điều chỉnh theo lộ trình. Vì vậy, các địa phương cần cân nhắc kỹ tác động của việc điều chỉnh đến CPI của địa phương và của cả nước./.
Hoàng Lâm