(CMO) LTS: Trong trái tim người dân Cà Mau, Bác Hồ chiếm vị trí đặc biệt. Dẫu trong kháng chiến, trong hoà bình, dẫu Bác đã đi xa, dẫu chưa được gặp Bác bằng da bằng thịt ngoài đời, nhưng người dân Cà Mau vẫn một lòng sắt son yêu thương, tôn kính Bác. Báo Cà Mau giới thiệu loạt bài lòng dân Cà Mau với Bác.Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh Bác Hồ luôn là biểu tượng thiêng liêng đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân Cà Mau, là sức mạnh, niềm tin giúp vượt qua bão đạn mưa bom, chiến thắng giặc thù. Vì vậy, khi hay tin Bác qua đời, trong lòng mỗi người con miền cuối trời cực Nam Tổ quốc dâng trào niềm thương tiếc, đau đớn đến khôn nguôi… Tang thương trùm khắp Cho đến bây giờ, dẫu Bác qua đời đã 50 năm, nhưng nhắc đến ngày tang thương ấy, Đạo diễn sân khấu, NSƯT Huỳnh Hảnh, nguyên Phó đoàn Văn công giải phóng Cà Mau, vẫn xúc động bùi ngùi: “Sáng ngày 3/9, nghe đài Việt Nam báo tin Bác mất, anh em trong đoàn ai cũng rụng rời, rồi áp nhau chạy đi thông báo. Vừa chạy vừa khóc. Từ lớn tới nhỏ khóc như đứa trẻ. Những ngày đó dường như không ai muốn ăn uống gì, cứ khóc rấm rứt suốt cả ngày!”. Hớp ngụm trà, ông tiếp giọng: “Hồi đó đa số anh chị em còn trẻ, chưa hiểu nhiều về chủ nghĩa xã hội, chỉ biết Bác Hồ là người lãnh đạo cuộc kháng chiến này, đánh đuổi giặc thù để đem lại hoà bình, ấm no, hạnh phúc cho muôn người và mình đi theo ngọn cờ của Bác”. Dòng xúc động vẫn trào dâng, ông kể tiếp: “Mấy ngày sau, tôi và anh Mười Mây, Trưởng đoàn, định làm lễ truy điệu Bác. Nhưng tập hợp đoàn lại hội trường rồi mà không ai nói được gì. Hơn 30 con người, cứ nghẹn ngào khóc như mưa. Vậy là giải tán chứ sao làm nổi. Tới 5, 7 ngày sau, mọi người mới gượng lại được, rồi động viên nhau biến đau thương thành sức mạnh mà học tập, rèn luyện, tạo bước đi mới cho đoàn. Chừng đó mới làm được lễ truy điệu cho Bác”. Tuy màu thời gian đã làm bạc trắng mái đầu, nhưng lão nghệ sĩ 82 tuổi trước mặt chúng tôi vẫn còn khá phong độ và minh mẫn. Từng dòng nhớ về sự kiện đau thương đặc biệt ấy lần lượt kéo về: “Khoảng 9-10 ngày sau, có chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ đề nghị đoàn kết hợp với Đội chiếu bóng miền Tây Nam Bộ đi làm lễ truy điệu Bác ở Tân Đức (do tỉnh tổ chức). Lúc đó gấp quá, đột ngột quá chưa ai làm được việc gì bày tỏ tấm lòng với Bác. Tôi suy nghĩ, phải viết cái gì đó... Vậy rồi khi ngồi dưới xuồng, tôi viết một mạch bài ca cổ “Bác là niềm tin”. Khi đó cảm xúc mình chân thật lắm, dữ dội lắm, cứ trào dâng. Vừa viết vừa khóc, nước mắt nhỏ xuống giấy nhoè lem. Đi hơn nửa ngày tới chỗ thì tôi viết cơ bản xong. Nhưng đêm đó không ca được bởi không tập kịp. Chừng nửa tháng sau có cuộc họp của Tỉnh uỷ với Khu uỷ, bài ca cổ “Bác là niềm tin” được đưa vào chương trình phục vụ. Hồi đó Nghệ sĩ Ánh Xuân ca bài này. Vào bài, Ánh Xuân quỳ xuống đỡ băng tang, cả hội trường ai cũng khóc. Ánh Xuân ca từng lời từng chữ bằng tình cảm thật, xúc động, nghẹn ngào làm cả hội trường không cầm được nước mắt. Từ đó, đêm nào diễn cũng có bài này. Bài ca cổ được Tỉnh uỷ, Khu uỷ đánh giá cao, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu thích. Sau đó, bài này được phổ biến rộng rãi ra nhiều tỉnh và thu phát trên sóng phát thanh”. Ông bộc bạch tiếp: “Nếu không có tình cảm, xúc cảm mạnh mẽ thì không thể viết được”. Trong bài, không chỉ bày tỏ niềm tiếc thương, ghi nhận công lao của Bác mà có những đoạn ông còn tiên đoán cuộc cách mạng thành công, như một điều tất yếu: “Ngày trống thúc quân reo vang rền sông núi, lớp lớp người giáo gươm xông tới hỏi tội quân thù, bằng sức mạnh truyền cảm của hơn 60 năm Cha quên mình xây đời dựng nước. Ngày rực rỡ gần kề Cha lại ra đi (...) Cha sẽ về với muôn lòng mỏi mòn chờ đợi, về với bão dông sấm sét của trận cuối cùng. Hồ Chí Minh là vầng hồng châu Á, tên của Người mãi mãi lưu truyền với thế hệ mai sau”.
Biến đau thương thành sức mạnh diệt thù Phân Chi khu Cái Nước là cứ điểm lợi hại, địch dùng làm bàn đạp đánh vào vùng căn cứ kháng chiến. Sau khi Tỉnh uỷ có lệnh đánh Phân Chi khu Cái Nước, Bí thư Xã uỷ Tân Hưng Đông Phạm Thị Bay (Ba Bay) về không ăn không ngủ, đầu óc cứ luẩn quẩn nghĩ cách đánh đồn. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra. Việc quan trọng trước nhất là làm sao có được đạn dược. Chỉ còn cách đi tìm kiếm, đi đào xới, thậm chí phải đi mò dưới sông, dưới ao ở những nơi đã xảy ra trận đánh để gom về. Nhưng biết kiếm được bao nhiêu và có đủ để đánh đồn? Liệu anh em có ủng hộ mình phương án đi sưu tầm đạn không? Nữ bí thư tuy người nhỏ xíu nhưng không sợ gian khổ, chỉ sợ mới chân ướt chân ráo về đây, uy tín mình chưa đủ để kêu gọi anh em, để khơi dậy phong trào. Suy tính nát nước, chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu chị: Bác Hồ! Phải, Bác Hồ luôn là hình ảnh thiêng liêng nhất trong lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Còn nhớ năm 1969, hồi còn làm Bí thư Xã uỷ Hưng Mỹ, khi hay tin Bác mất, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ xã khóc như mưa. Ðảng bộ và Nhân dân Hưng Mỹ tổ chức lập bàn thờ thắp hương Bác trước khi có chủ trương từ trên xuống. Cả Ðảng bộ đều mang tang Bác trên vai gần tháng trời. Chị còn vận động cán bộ và Nhân dân Hưng Mỹ góp cây lá cất đền thờ thờ Bác. Bác mất để lại Di chúc thiêng liêng, trong đó có bày tỏ nỗi khát khao giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Phải rồi, giải phóng Phân Chi khu Cái Nước cũng là giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam như tâm nguyện của Bác. Di chúc Bác sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ có thêm niềm tin, sức mạnh vượt qua muôn ngàn gian khổ chiến thắng kẻ thù. Vậy rồi, một cuộc đại hội Ðảng được tổ chức. Hội trường chỉ là gian nhà lá cột gỗ đơn sơ. Ấn tượng đặc biệt là có một bàn thờ Bác được đặt thật trang trọng bên trên. Trên bàn thờ còn có một quyển sổ và cây viết. Giọng nữ bí thư Ba Bay run run đầy xúc động đọc lại Di chúc thiêng liêng của Bác. Vừa đọc, chị vừa cắt nghĩa những điều Di chúc nói. Nhất là nguyện vọng tha thiết giải phóng miền Nam của Bác… Giọng chị đầy xúc động: - Thưa các đồng chí, có một điều đặc biệt ở đại hội này là khai mạc nhưng không bế mạc ngay. Bàn thờ Bác vẫn để nguyên, băng cờ vẫn để nguyên. Chúng ta hứa với nhau, dù có hy sinh đến giọt máu cuối cùng cũng phải quyết tâm giải phóng cho được Phân Chi khu Cái Nước rồi về báo công với Bác và làm lễ bế mạc đại hội. Các đồng chí thấy sao? Cả hội trường hưởng ứng rầm rộ. Lần lượt hơn 50 đảng viên, ai cũng lên ghi lời thề tâm huyết của mình vào “quyển sổ vàng” và đăng ký số lượng đạn sẽ sưu tầm rồi thắp nhang bày tỏ quyết tâm với Bác. - Thưa Bác! Chúng con hứa với Bác quyết tâm giải phóng bằng được Phân Chi khu Cái Nước dù có hy sinh đến giọt máu cuối cùng! Khi giải phóng Phân Chi khu Cái Nước xong, chúng con sẽ xây dựng Phủ thờ thờ Bác ngay trên nền bót giặc. Chúng con từng ao ước nước nhà độc lập sẽ rước Bác vào Nam để chúng con được gặp Bác, để thoả lòng mong nhớ. Nhưng giờ Bác đã ra đi. Chúng con chưa có điều kiện ra thủ đô viếng Bác. Chúng con xây dựng Phủ thờ Bác là để bày tỏ lòng biết ơn và để có nơi trang nghiêm cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ quê hương con đến thắp hương viếng Bác. Xin Bác hãy tiếp thêm sức mạnh để chúng con đánh thắng giặc thù và để hoàn thành tâm nguyện này! Tiếp sau đó là đại hội của các đoàn thể, lực lượng vũ trang, cũng với nội dung trên và được sự hưởng ứng sôi nổi. Mang trong tim niềm tin và lời hứa sắt son với Bác, Đảng bộ, quân dân xã Tân Hưng Đông đã vượt bao khó khăn, hiểm nguy từ củng cố lực lượng, tìm kiếm sưu tầm đạn dược, điều nghiên địa hình... Đến ngày 1/12/1974, Đảng bộ, quân, dân Tân Hưng Đông tiến hành bao vây Phân Chi khu Cái Nước. Ròng rã 16 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dưới sự chỉ đạo tài tình, mưu trí, sáng tạo của nữ bí thư xã uỷ Ba Bay, rạng sáng 16/12/1974 ta hoàn toàn giành thắng lợi. Giải phóng hoàn toàn Phân Chi khu Cái Nước, hạ bệ 1 căn cứ quân sự cấp tiểu đoàn, 2 đồn tam giác và 9 lô cốt; Tiêu diệt và làm bị thương 39 tên địch, thu 2 súng cối 61, 1 cối 81, 6 súng M79 và 4 máy PRC25. Ngày 26/12/1974 (sau 83 ngày khai mạc), Ðảng bộ xã Tân Hưng Ðông trang trọng làm lễ báo công với Bác và tuyên bố bế mạc đại hội trong niềm hân hoan, vui sướng tột cùng của mọi người. Đây có thể coi là đại hội chi bộ dài nhất trong lịch sử. Và sức mạnh để đạt được mục tiêu, làm nên thành công của đại hội chính là tình cảm thiêng liêng và sức mạnh niềm tin từ Bác. Nữ bí thư xã uỷ Phạm Thị Bay thực hiện lời hứa xây dựng phủ thờ thờ Bác ngay trên nền bót giặc. Chính tay bà tìm kiếm, sưu tầm và chỉ đạo thiết kế mẫu mã phủ thờ, vận động Nhân dân đóng góp tiền, vật liệu, ngày công. Đền thờ Bác được xây dựng rất khang trang, mái ngói, vách tường, bên ngoài dán đá rửa... Ngày khánh thành là ngày hội lớn chưa từng có. Cả rừng người đông nghẹt, ai cũng muốn được có mặt, được thắp nén nhang bày tỏ tấm lòng với Bác kính yêu. Vậy là ở nơi tận cùng đất nước lại có thêm một công trình để bày tỏ tình cảm và lòng thành kính biết ơn của đồng bào miền Nam với Bác. Nữ bí thư xã uỷ Phạm Thị Bay về sau được phong Anh hùng LLVTND và hiện về hưu sống tại quê hương (xã Hưng Mỹ). Ngoài vui thú lao động, bà tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, vận động xây dựng cầu, đường, trường học. Bản thân bà hàng tháng trích lương hưu giúp học sinh nghèo và hộ nghèo trong ấp, sống chan hoà, đầm ấm trong tình yêu thương của con cháu, xóm làng. Muôn vạn tấm lòng, muôn vạn tình thương Ấp Hàm Rồng, xã Tư Chi, huyện Duyên Hải (nay là xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) những năm chống Mỹ, phong trào hoạt động thiếu nhi hết sức sôi nổi; Đặc biệt, các đội viên thiếu niên còn lập hẳn một đội du kích mang tên Du kích Tí hon sát cánh cùng các anh, các chú lập nhiều chiến công vang dội. Và chính Đội Thiếu niên Tiền Phong, Đội Du kích Tí hon đã góp công lớn trong việc xây dựng gian thờ cúng Bác, canh gác, giữ gìn cho đến ngày giải phóng. Ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau (đã nghỉ hưu), xuất thân từ Đội Thiếu niên Tiền phong Hàm Rồng, kể lại: Hồi đó ở Năm Căn, ta xây dựng làng rừng từ Ngã Quát bọc qua Kinh Tư tới đồng Ong Nghệ, nhiều cơ quan tỉnh, quân khu nằm trong đó. Bà con ấp Hàm Rồng sau khi bị giặc tàn phá nhà cửa, ruộng vườn cũng được bố trí vào sống trong làng rừng, sát cánh cùng cán bộ, du kích chống giặc. Trong lòng cán bộ, quân, dân bấy giờ Bác Hồ là điểm tựa tinh thần: Nghe lời Bác dạy, làm theo Bác... Ngay trong niềm vui cũng nhắc đến Bác và khi gian nan nhất, để vượt qua cũng động viên nhau phấn đấu làm theo Bác. Con cái cũng được giáo dục tôn kính, noi gương Bác Hồ. “Hồi đó có những câu hát truyền miệng rất hay, chẳng hạn câu: “Ai thèm làm cháu Mỹ - Ngô/Vài ba năm nữa Bác Hồ về thăm”. Năm 1969, khi hay tin Bác qua đời, có cảm giác như bị sụp đổ tinh thần, nhưng sau đó thì tình thương Bác dồn thành sức mạnh chiến đấu. Nhiều hoạt động được tiến hành, trong đó có việc xây dựng nơi thờ Bác. Bấy giờ thanh niên, đàn ông trong ấp đã đi bộ đội hay làm những công việc khác, chủ yếu còn lại phụ nữ, người già và trẻ em. Việc cất nhà thờ Bác chủ yếu là đội thiếu niên và Đội Du kích Tí hon thực hiện cùng với các bà, các chị, dưới sự hướng dẫn của mấy anh du kích, cán bộ Đoàn. Các em 13, 14, 15 tuổi đi đốn cây, đốn lá về làm sàn, lợp nhà là chuyện bình thường. Gian thờ được làm khoảng 450 m2, chính giữa cắm cây làm bàn để ảnh Bác, lư hương. Hàng ngày phân công các đội thiếu niên thay nhau trực quét dọn, hương khói. Tất cả các công việc sinh hoạt ở ấp, những buổi báo công, kết nạp Đội, Đoàn, dạy trẻ học chữ… đều diễn ra ở đây. Đền được canh gác bởi nhiều vòng. Các con đường đều được bố trí bãi tử địa, những loại vũ khí thô sơ. Các em Đội Du kích Tí hon lúc đó có trang bị súng, biết gài lựu đạn, được hướng dẫn canh gác. Mỗi nhóm giữ một đoạn đường. Khi phát hiện có động liền chạy vô báo, đồng thời đóng cổng hàng rào hoặc hạ cây bít đường và bắt đầu khởi động các loại vũ khí thô sơ. “Nhiều lần bọn giặc càn phá, tấn công đền, nhưng đều được quân dân ta, trong đó có Đội Du kích Tí hon chống trả quyết liệt. Nhờ vậy mà vẫn giữ vững được đền đến ngày giải phóng”, ông Ba Liêm hồi nhớ. Trong 2 quyển sách “Tấm lòng Cà Mau với Bác Hồ” (tập 1 dày 320 trang, tập 2 dày 454 trang) ghi lại hàng trăm câu chuyện cảm động về tấm lòng của Đảng bộ, quân, dân Cà Mau với Bác Hồ. Vậy mà vẫn chưa hết, đây đó, nếu khơi gợi lại đề tài này, dường như số lượng những câu chuyện cứ dần tăng./. Trang Thăm - Thuỳ Trâm Bài 2: “Công trình” của những trái tim |