Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (người cắt băng thứ 5 từ trái sang) cùng các vị khách quý cắt băng khánh thành cầu Năm Căn.Sáng 7/2, dòng người đổ về phía thị trấn Năm Căn hướng ra đôi bờ sông Cửa Lớn ngày càng đông. Giữa cờ hoa rực rỡ và trong mùa gió Tết lồng lộng, ai cũng háo hức dự lễ khánh thành cầu. Chiếc cầu sừng sững nối liền 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Cầu Năm Căn chính là mảnh ghép cuối cùng để Tổ quốc Việt Nam không còn nơi nào cách trở, nối liền một dải từ Cao Bằng, Lạng Sơn về đến Mũi Cà Mau. Tỉnh Cà Mau anh hùng, trong đó có Năm Căn và Ngọc Hiển là căn cứ địa trong giai đoạn chiến tranh. Truyền thống vẻ vang, lịch sử hào hùng, mỗi một tên đất, tên người đều gợi lên niềm tự hào khôn xiết. Xứ sở này giàu có cá, tôm, hệ sinh thái ngập mặn giá trị nhất, nhì thế giới. Và con người nơi đây son sắt, lắm nghĩa tình.
Về với Cà Mau trong ngày hội là những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước; của bạn bè khắp nẻo khu vực ÐBSCL; có cả những chuyên gia của nước bạn Cu Ba. Cầu Năm Căn, tuyến cuối của đường Hồ Chí Minh, khởi đầu từ dấu chân Bác về, ở Pác Bó, Cao Bằng, qua 30 tỉnh, thành, chiều dài hơn 3.000 cây số, có lúc đã đình hoãn thi công. Trong giai đoạn đất nước khó khăn, chiếc cầu này được tính toán lùi lại thi công sau năm 2020. Sông Cửa Lớn nước cuồn cuộn đổ về biển Ðông. Trong kháng chiến, chính dòng nước mặn nơi đây được bà con chưng cất nuôi nấng cán bộ, chiến sĩ qua cơn khát cháy. Trái mắm lớn lên từ bãi phù sa, từ vị mặn của biển đã làm ấm lòng những con người vì sự nghiệp thiêng liêng giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Mãi về sau này, Cửa Lớn cũng là cung đường huyết mạch, đảm đương nhiệm vụ phát triển kinh tế. Thế nhưng, con sông này cũng là một nỗi niềm cách trở, để người dân bên kia Ngọc Hiển ngóng trông hoài một tuyến đường bộ. Xu thế phát triển như vũ bão của thời đại khiến khát vọng ấy càng trở nên cấp thiết. Rồi với sự đồng ý của Quốc hội, của Chính phủ, mà trực tiếp là sự quyết tâm của Bộ Giao thông - Vận tải, của toàn hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau, cây cầu đã chính thức khánh thành vào mùa Xuân Ất Mùi - mùa Xuân 85 của Ðảng, của biết bao sự kiện trọng đại mà Nhân dân Việt Nam chào đón. Cùng với cầu Năm Căn là các cây cầu kinh Cái Tắc, cầu Sáu Nạn, cầu Trại Lưới và thông xe kỹ thuật đoạn đường từ thị trấn Năm Căn qua cầu Năm Căn. Riêng cầu Năm Căn có chiều dài khoảng 817 m, rộng 12 m, tổng mức đầu tư gần 650 tỷ đồng. Các cây cầu được khánh thành trong dịp này đều được thiết kế tiêu chuẩn vĩnh cửu, đảm đương tốt nhu cầu lưu thông, vận chuyển. Dự án đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn tỉnh Cà Mau đảm bảo đúng tiến độ thi công, đến cuối năm 2015 sẽ chính thức hoàn thành đưa vào sử dụng, nối với trung tâm hành chính huyện Ngọc Hiển và xã Ðất Mũi, điểm cực Nam trên bản đồ đất nước. Trong thời khắc thiêng liêng, khi cầu Năm Căn chính thức xoá tan sự cách trở, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi bồi hồi xúc động: “Lễ khánh thành đã biến ước mơ nối liền đôi bờ Năm Căn - Ngọc Hiển bằng đường bộ của Nhân dân tỉnh Cà Mau thành hiện thực”. Ðây là điều kiện quan trọng để tỉnh nhà khai thác và phát triển Cảng Năm Căn, Khu Kinh tế Năm Căn và Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai trong tương lai. Giản dị hơn, chiếc cầu sẽ là con đường để các em nhỏ tới lớp, các cụ già có điều kiện chăm sóc sức khoẻ, nhà nhà thuận lợi làm ăn. Huyện Ngọc Hiển sẽ vươn mình trước vận hội mới, trở thành vùng đất hứa hẹn những đột phá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Về với Nhân dân Cà Mau trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không giấu được niềm vui lớn. Thủ tướng tâm sự với bà con: “Có lúc nhớ tới câu thơ của Nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau", nhưng cùng trên một “chiếc tàu” ấy, muốn tới Ngọc Hiển vẫn phải qua phà”. Thủ tướng không quên những khó khăn, vất vả của bà con vùng đất này và chia sẻ chân thành khát vọng chính đáng có một nhịp cầu nối liền đôi bờ Cửa Lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là sự kiện đặc biệt quan trọng để Năm Căn, Ngọc Hiển nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ðây cũng là công trình có ý nghĩa về an ninh - quốc phòng, đặc biệt là việc cải thiện đời sống Nhân dân.
Vậy là từ Lạng Sơn với Quốc lộ 1, Cao Bằng với đường Hồ Chí Minh, tất cả đã hội tụ, cùng hoà điệu một dòng về tới cực Nam đất nước - Mũi Cà Mau. Thủ tướng khẳng định: “Nơi nào đường lớn, cầu lớn thì sẽ phát triển, nếu không có thì đó là thiệt thòi không có cách gì khắc phục được”. Ðiều kiện thi công ở Cà Mau khó khăn, tốn kém, Thủ tướng biểu dương quyết tâm và trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải, sự hỗ trợ hết sức mình của toàn hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau. Sau 40 năm giải phóng, Cà Mau trở thành địa phương có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo ở mức bình quân chung cả nước, đặc biệt xuất khẩu thuỷ hải sản có giá trị lớn nhất nước. Thủ tướng gởi gắm: “Chúng ta làm không phải vì thành tích mà trước hết và mục đích lớn nhất là chăm lo cho Nhân dân. Một tỉnh xuất khẩu thuỷ hải sản lớn nhất nước phải phát triển nhanh và bền vững hơn nữa”.
Dòng người bước trên cầu Năm Căn dường như không dứt. Ðó là những cụ già đã sống cả đời ở vùng sông nước, những cựu chiến binh bám rừng, bám rạch để đánh giặc, có cả những em bé chập chững đi bên cha mẹ. Ông Tiêu Minh Nhất, ấp Xóm Mới, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, nở nụ cười tươi rói: “Cả xóm tôi cùng đi coi ngày lễ khánh thành, vậy là ước mơ bấy lâu nay của bà con đã thành sự thật. Cái cảm giác sung sướng này khiến tôi thấy mình trẻ lại. Vậy là trước khi chết, tôi đã được đi trên chiếc cầu nối liền con sông Cửa Lớn”. Cũng trong dòng người ấy, ông Bùi Văn Bình, ấp Xẻo Lá, xã Viên An Ðông, chia sẻ: “Cả nhà tôi đi. Vui lắm. Có cầu rồi”. Vậy là ông lại hối hả dẫn cháu chập chững bước tiếp để qua hết cây cầu dài gần cây số. Trên chiếc cầu lộng gió, dòng người đi trong niềm vui của trời đất vào xuân, đi trên mảnh ghép cuối cùng để Việt Nam thôi không còn cách trở. Một niềm tin phơi phới tràn về, quê hương Cà Mau đang đi tới với những đổi thay, với những khát vọng về tương lai giàu đẹp./.
Ghi nhanh của Phạm Nguyên |