69 năm để xác lập quyền tự do kinh doanh hoàn chỉnh
TS,ềntựdokinhdoanhCầnhệthốngphápluậtđồngbộkết quả quốc gia việt nam Luật sư Nguyễn Đình Lục, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, phải mất một khoảng thời gian rất dài, 48 năm (từ năm 1945 – 1992), kể từ khi Nhà nước ta ra đời, quyền tự do kinh doanh của công dân mới được xác lập và phải mất 69 năm (1945-2013) quyền tự do kinh doanh của công dân mới được xác lập hoàn chỉnh.
Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền tự doanh kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Lần đầu tiên, doanh nghiệp (DN), doanh nhân được quy định trong Hiến pháp 2013 - “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.
Những quy định về quyền kinh tế, về DN, doanh nhân trong Hiến pháp năm 2013 là điều kiện thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển. Đó là cơ sở để các luật mới ban hành hoặc sửa đổi chú ý tới vị trí của doanh nhân, doanh nghiệp để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, để các DN, doanh nhân yên tâm khi đầu tư, kinh doanh.
Tại một cuộc tọa đàm mới đây của CLB Pháp chế Doanh nghiệp, Bộ Tư pháp, nhiều diễn giả là những chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này cũng đã thảo luận về các giải pháp để thực hiện tốt các quyền về kinh tế của các doanh nhân, DN mà Hiến pháp năm 2013 đã hiến định.
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, chủ nhiệm CLB Pháp chế Doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp cụ thể như: rà soát các văn bản luật để loại bỏ những quy định cản trở sự phát triển của doanh nhân, DN; tạo khung pháp luật phù hợp điều chỉnh các quan hệ trong nền kinh tế thị trường,...
Đảm bảo 5 quyền tự do cơ bản trong kinh doanh
Theo Luật sư Hoàng Thị Ngọc Quỳnh, Công ty Luật TNHH Hoàn Kiếm, quyền tự do kinh doanh là một hệ thống quyền của chủ thể kinh doanh được pháp luật bảo hộ, bao gồm 5 nội dung cơ bản: quyền tự do sở hữu; quyền tự do hợp đồng; quyền tự do thành lập DN; quyền tự do cạnh tranh; quyền tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, bảo đảm quyền tự do hợp đồng bằng pháp luật có tác động lớn tới quyền tự do kinh doanh. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi nước mà các nội dung trên được thể hiện ở mức độ khác nhau do bị chi phối bởi các yếu tố: chế độ sở hữu, cơ chế quản lý kinh tế và hội nhập quốc tế.
Do vậy, việc Nhà nước bảo đảm sự đa dạng các hình thức sở hữu, bảo đảm quyền sở hữu, tôn trọng tính thị trường trong việc thực hiện cơ chế kinh tế là các cơ sở quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại phù hợp với cơ chế thị trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội.
Kỳ vọng Luật Doanh nghiệp sửa đổi
Về quyền tự do thành lập DN, bà Hà Thu Hoài, Hội Luật gia Việt Nam, nêu ra một số hạn chế của pháp luật hiện hành về quyền tự do thành lập DN. Đơn cử như sự mâu thuẫn và chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là việc thành lập, quản lý và hoạt động DN, trong khi Luật Đầu tư là hoạt động đầu tư. Về nguyên tắc hai phạm vi này hoàn toàn tách bạch nhau, nhưng khi đi vào chi tiết lại chồng chéo nhau.
Một bất cập khác là về các quy định về ngành, nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện về chứng chỉ hành nghề của giám đốc và tổng giám đốc và cá nhân khác trong Luật Doanh nghiệp 2005. Sự bất cập này đã hạn chế một số chủ thể có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong kinh doanh,… có nhu cầu thành lập DN kinh doanh nhưng không thực hiện được chỉ vì “không có chứng chỉ hành nghề”.
Theo các chuyên gia kinh tế, suốt 10 năm qua, các quy định của pháp luật về DN không ngừng gia tăng về mức độ “không cụ thể, không rõ ràng, không hệ thống, không hợp lý, không tiên liệu trước được”.
Do đó, Luật sư Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Pháp chế CtyCP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, bảo đảm quyền tự doanh kinh doanh là điều mà cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi hướng tới, kỳ vọng sẽ đem lại một cú "hích" lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN, thu hút mọi nguồn lực vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, dung hòa được giữa nhu cầu quản lý và yêu cầu tự do kinh doanh của DN có lẽ là bài toán không dễ giải của cơ quan quản lý cũng như các nhà làm luật.
Giảm từ 51 xuống còn 8 ngành cấm kinh doanh Ngày 19/8 vừa qua, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất giảm danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh từ 51 xuống còn 8 ngành, nghề. Về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ này đề xuất bãi bỏ khoảng 15% (56/386) ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không còn cần thiết; bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể,… Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các điều kiện sẽ được sửa đổi theo hướng: nội dung các điều kiện kinh doanh chỉ nhằm hạn chế, ngăn ngừa các nguy cơ phát sinh mà không thể hạn chế hay ngăn ngừa được bằng các giải pháp của thị trường; phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện và tiên liệu được; phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và không trái với điều ước quốc tế; không được áp đặt một phương thức tổ chức kinh doanh, không áp đặt mức sàn hoặc trần đối với sản lượng sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, không hạn chế quyền tự do hợp đồng và tự do thỏa thuận giá cả của DN. |
Hoàng Yến