Dự án Luật Giá lần này là một bước tiến đáng ghi nhận trong công tác xây dựng luật của nước ta thời kỳ hội nhập toàn diện cả bề rộng và bề sâu. Song, Dự án cần làm rõ hơn và cụ thể hóa hơn các quy định nền tảng cho toàn bộ các hoạt động và khía cạnh quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực tế của quản lý giá vì hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đúng như mục tiêu đề ra… Báo Hải quan xin giới thiệu bài viết của TS.Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) đóng góp một số ý kiến về Dự án Luật này. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Dự án Luật giá này sẽ được Quốc hội khoá XIII họp và thông qua tại kỳ họp thứ ba. Dự án lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, nhà chuyên môn, nhà khoa học và các đại diện cho đông đảo tầng lớp nhân dân, nên có nội dung hoàn chỉnh và hợp lý hơn những lần trước… Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần lưu ý chỉnh sửa thêm. Theo thứ tự từ trên xuống trong 27 trang nội dung của Dự án, cần lưu ý một số điểm sau: Thứ nhất,Dự án quy định những lĩnh vực loại trừ áp dụng Luật Giá còn quá rộng và lỏng, dễ gây sự lạm dụng do cách hiểu và vận dụng khác nhau, cũng như dễ tạo môi trường kinh doanh thiếu công bằng. Điều này thể hiện ở những quy định, như: - Trang 1, Điều 3: “Trường hợp giá được quy định trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, tỷ giá hối đoái, lãi suất tiết kiệm và một số lĩnh vực đặc thù khác được áp dụng theo quy định của văn bản pháp luật trong lĩnh vực đó”. Cần ghi cụ thể, rõ ràng hơn các lĩnh vực và “một số lĩnh vực đặc thù khác” là gì? Điều kiện nào? - Trang 2, Điều 4, Khoản 2: “Dịch vụ quy định tại Luật này bao gồm các nhóm ngành dịch vụ được quy định trong Biểu cam kết dịch vụ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, trừ nhóm ngành dịch vụ tài chính”. Tại sao lại loại trừ tất cả dịch vụ tài chính, kể cả dịch vụ khai thuế, kiểm toán và bảo hiểm…? - Trang 2, Điều 4, Khoản 3: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ quan trọng phục vụ sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng, bao gồm: Nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính phục vụ sản xuất và lưu thông; sản phẩm đáp ứng yêu cầu cơ bản của con người và an ninh, quốc phòng”. Nếu quy định như vậy thì tất cả đều là hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, vì có sản xuất nào mà không cần nguyên, vật liệu hoặc hầu hết nguyên, vật liệu đều là đầu vào chính phục vụ sản xuất, lưu thông một loại hàng hóa cụ thể nào đó… Vì vậy, trong trường hợp này, nên liệt kê danh mục cụ thể một số nguyên vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đủ, như; Gạo, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu và một số hàng phục vụ nhu cầu quốc phòng. - Trang 2, Điều 4, Khoản 4: “Giá thị trường là giá hình thành trên thị trường do quan hệ cung cầu quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định. Đây là một định nghĩa sai về bản chất kinh tế-vì không có cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh thì không thể có thị trường, và do đó, không có giá thị trường. Vì vậy cần thêm cụm chữ “cạnh tranh và” vào sau cụm từ “trên thị trường” mới đủ chặt chẽ. - Trang 2, Điều 4, Khoản 10: “Bình ổn giá là việc Nhà nước thông qua việc áp dụng các biện pháp thích hợp về điều hòa cung - cầu, tài chính, tiền tệ và các biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý”. Nên thay bằng: “Bình ổn giá là việc Nhà nước chủ động thực hiện các biện pháp tổng thể kinh tế và hành chính cần thiết nhằm duy trì mức giá nhất định của một hoặc một số mặt hàng hóa-dịch vụ trong phạm vi lĩnh vực, địa lý và thời gian xác định, vì lợi ích ổn định chung”. Thứ hai,Dự án còn quy định quá chi tiết không cần thiết một số nội dung, khiến dễ gây thừa, không hết hoặc lúng túng trong vận dụng, như: - Trang 3, Điều 4, Khoản 11: “Yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ; lợi nhuận (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu; giá thị trường trong nước, quốc tế; chiến lược kinh doanh của DN, chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước từng thời kỳ”. Nên bỏ Khoản 11 này vì yếu tố hình thành giá trên thực tế thị trường là tất cả những gì tham gia vào hoạt động sản xuất-lưu thông- phân phối và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, rất khó liệt kê hết, kể cả tâm lý người tiêu dùng và bối cảnh thời tiết, thế giới… - Trang 3, Điều 4, Khoản 11: “Mặt bằng giá là mức trung bình của các mức giá hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế ứng với không gian, thời gian nhất định và được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng”. Tương tự, nên bỏ Khoản 11 này vì không có trong thống kê kinh tế, hơn nữa chỉ số giá tiêu dùng không thể là đơn vị đo mặt bằng giá. Nếu muốn giữ khái niệm này thì phải bỏ đoạn sau “và được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng”. - Trang 3, Điều 4, Khoản 15: “Giá biến động bất thường là giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý khi các yếu tố hình thành giá không có biến động bất thường hoặc trong các trường hợp khủng hoảng kinh tế, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, địch họa hoặc các trường hợp bất thường khác”. Khái niệm này nên được chỉnh sửa chặt chẽ, cụ thể hóa hơn, ví dụ thành “Giá biến động bất thường là hiện tượng có sự tăng mạnh giá một hoặc một số hàng hóa-dịch vụ gấp từ 2 lần trở lên so với mức tăng CPI cả nước cùng kỳ so sánh” (trong tiền tệ, theo IMF, tỷ giá biến động bất thường đó là khi có sự tăng tỷ giá trên 10%, còn khi tăng trên 20% là xẩy ra khủng hoảng tiền tệ…). - Trang 6, Điều 12, Khoản 4: Những trường hợp được giảm giá… không liệt kê hết, như giảm giá do tăng năng suất lao động, hợp lý hóa sản xuất….Vì vậy, nên thay bằng quy định các trường hợp cấm giảm giá cạnh tranh không lành mạnh, kiểu bán phá giá là đủ. TS.Nguyễn Minh Phong |