Chống thất thu, thu về ngân sách hàng nghìn tỷ đồng/năm
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách, chống thất thu, thất thoát ngân sách nhà nước (NSNN).
Trong công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các luật về NSNN, đầu tư công, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Trong đó đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm.
Đặc biệt, Luật NSNN số 83/2015/QH13 năm 2015 đã bổ sung quy định cụ thể các điều kiện chi ngân sách, các hành vi bị cấm; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ dự toán đến khâu thực hiện; việc thanh tra, kiểm toán...
Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 năm 2019 bổ sung quy định thống nhất về nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp trong việc quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định các dự án đầu tư công. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công và công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công... Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, sử dụng NSNN.
Trong tổ chức thực hiện, các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và quản lý, sử dụng NSNN, tài chính, tài sản công nói riêng, kể cả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Trên thực tế, đã xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi về NSNN tiền, tài sản bị tham nhũng, thất thoát.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, tập trung xử lý thu hồi nợ đọng thuế; chấn chỉnh công tác hoàn thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
Qua đó đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu nộp NSNN hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (năm 2018 gần 20 nghìn tỷ đồng, năm 2019 khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng); từng bước xử lý dứt điểm nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ mới; kiểm soát tỷ lệ nợ đọng thuế trên tổng thu nội địa giảm dần qua từng năm (năm 2018 là 7,2%, đến cuối năm 2019 còn 6,3%) và tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu trên tổng thu nội địa giảm xuống dưới 5% (năm 2018 là 3,4%, cuối năm 2019 còn 3,2%).
Sử dụng ngân sách tiết kiệm hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực
Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách phải quản lý chi NSNN chặt chẽ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cao hơn nữa việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật lý tài chính.
Trong đó, tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đối với các cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn. Đồng thời, bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành không đúng thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.
Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính – NSNN. Theo đó, ngay ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách...
Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng ngân sách cũng phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả trên các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản... bởi các lĩnh vực này thường gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN./.
Minh Anh