| Lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp. Ảnh: Hải quan Quảng Ninh. |
Đa dạng hình thức hỗ trợ Theo Tổng cục Hải quan, sau 1 năm triển khai thí điểm Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, có 213 DN xuất nhập khẩu, đại lý hải quan tham gia và được công nhận là thành viên của chương trình tại 34 cục hải quan tỉnh, thành phố. Cục hải quan các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai nhiều sáng kiến, cách thức tuyên truyền, hỗ trợ DN tham gia. Cụ thể, lãnh đạo đã cử công chức tham gia Nhóm chuyên trách của Tổng cục Hải quan; chỉ đạo các chi cục chủ động tóm lược nội dung, cách thức triển khai, ý nghĩa của chương trình, xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền để giới thiệu tại các sự kiện có nhiều DN tham gia. Đồng thời, cơ quan hải quan đã cập nhật ghi nhận tư cách thành viên tại Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (CRMS) và gửi đầy đủ các thông báo dành cho DN thành viên, trong đó đã phân tích những vi phạm (nếu có) DN đã gặp phải, tác động của vi phạm đó tới đánh giá xếp hạng tuân thủ; từ đó đề ra phương án hỗ trợ để DN tránh tái phạm, từng bước nâng cao tính tuân thủ, nâng cao xếp hạng cho DN. Sẽ cấp Giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp thành viên Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp (DN) thành viên chương trình và gửi cho các cục hải quan tỉnh, thành phố trao cho DN thành viên. Trường hợp thu hồi tư cách thành viên, cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện ra thông báo thu hồi tư cách thành viên theo quy định, đồng thời thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận của doanh nghiệp. Trước 15 ngày khi giấy chứng nhận hết hạn, cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Cục Quản lý rủi ro để thực hiện việc cấp lại cho DN thành viên. |
Các tổ chuyên trách triển khai chương trình cũng thường xuyên giữ mối liên hệ, cung cấp thông tin cảnh báo hàng quý; đồng thời hỗ trợ các DN tham gia bằng nhiều hình thức qua điện thoại, email hoặc hỗ trợ trực tiếp tại nơi làm thủ tục hải quan, trụ sở DN… Riêng đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp tại đơn vị, công chức hải quan được giao chuyên quản theo dõi, hỗ trợ DN trực tiếp tại nơi làm việc hoặc tại phòng tiếp công dân của chi cục. Một số đơn vị như Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) tổ chức hội thảo để bàn các giải pháp và lấy ý kiến tham gia một cách toàn diện cả từ phía cơ quan thực thi và phía DN một cách bài bản, nhất quán và đem lại hiệu quả thiết thực theo đúng mục tiêu đặt ra. Cục Hải quan các tỉnh/thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… đã chủ động tuyên truyền về chương trình, ngay trong các hội nghị đối thoại hải quan – DN định kỳ. Tuy ban đầu DN còn dè dặt trong việc đề xuất nhu cầu hỗ trợ tại các địa bàn cục hải quan khác nơi mở tờ khai, song sau thời gian được các tổ chuyên gia hỗ trợ, hướng dẫn, DN đã ghi nhận và ủng hộ chương trình. Một số DN đã được thăng hạng như: Công ty TNHH liên doanh Nghị Phong và Công ty TNHH Tỷ Thạc được ghi nhận mức tuân thủ xếp hạng 4, đến tháng 6/2023 đã tăng lên hạng 3. Doanh nghiệp được chủ động tự đăng ký | Được công nhận là thành viên chương trình, DN đã được cơ quan hải quan ghi nhận quá trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Đây cũng là một ưu thế, khẳng định về uy tín, thương hiệu DN đối với các đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro |
Với mục tiêu tăng tối thiểu 20% DN tham gia chương trình trong năm 2023, Tổng cục Hải quan đang bắt tay vào triển khai giai đoạn II. Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) đã có công văn gửi các cục hải quan về việc tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Theo đó, ngoài các DN được lựa chọn theo tiêu chí của chương trình, trên cơ sở các hoạt động quan hệ đối tác, tuyên truyền, tiếp xúc doanh nghiệp, cục hải quan các tỉnh, thành phố có thể mời các DN chủ động đề nghị tham gia chương trình. Đồng thời, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép các nội dung tập huấn hướng dẫn phòng tránh vi phạm trong lĩnh vực hải quan tại các chương trình hệ đối tác cho cộng đồng DN trên địa bàn quản lý. Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro cho biết, hiện nay Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế để mở rộng đối tượng tham gia chương trình; thực hiện rà soát, lựa chọn và lọc ra các DN thực sự có nhu cầu tham gia, cần được cơ quan hải quan khuyến khích nâng cao mức độ tuân thủ pháp luật để triển khai trong thời gian tới. Để tăng số lượng DN tham gia, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho DN hoạt động xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của DN khi tham gia chương trình. Cùng với đó, ngành Hải quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thông qua việc điều phối, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan, từ cấp cục đến chi cục hải quan. Cơ quan hải quan cũng sẽ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực tiễn triển khai cũng như học tập kinh nghiệm, kiến thức, thông lệ tốt nhất của WCO (Tổ chức Hải quan Thế giới) và các nước tiên tiến trong lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, thể chế hóa các nội dung chương trình, nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy trình, quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế. Cũng theo ông Hồ Ngọc Phan, điểm cần lưu ý là cơ quan hải quan sẽ tổ chức theo dõi, đánh giá hoạt động của DN và kiểm tra định kỳ việc thực hiện, triển khai các hoạt động hỗ trợ của đơn vị hải quan các cấp trong khuôn khổ chương trình./. |