Đây là tiền đề để ngành Thuế phấn đấu đến năm 2015 là một trong 5 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế.
Cải cách thủ tục hành chính thuế
Theướngtớinềnquảnlýthuếhiệnđạbxh duc2o Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến, với yêu cầu ngày càng cao từ đối tượng nộp thuế, chủ trương của Ngành là không ngừng cải cách trong lĩnh vực hành chính thuế để hướng đến mục tiêu “Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính và Đổi mới”. Theo đó, mục tiêu xuyên suốt của cải cách thủ tục hành chính thuế là tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tránh những tiêu cực của cán bộ- nhân viên thuế, đồng thời tiếp cận được với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.
Do vậy, đòi hỏi hệ thống chính sách thuế phải tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính thuế theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế của Nhà nước, vừa không gây phiền hà, tốn kém cho cả tổ chức, cá nhân nộp thuế và cơ quan Thuế. Mục tiêu đặt ra đối với ngành Thuế sẽ hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế cả về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thuế điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Cụ thể, hệ thống Thuế các cấp đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính thuế; đề xuất biện pháp đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế như: Loại bỏ các quy định, giấy tờ, mẫu biểu hồ sơ hay các chỉ tiêu kê khai... không cần thiết, không hợp lý; tăng cường phân cấp thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính thuế ở cấp chi cục để rút ngắn trình tự thủ tục và thời gian giải quyết cho người nộp thuế.
Kết quả rà soát Tổng cục Thuế đề xuất với Bộ Tài chính đơn giản hoá được 256/338 thủ tục (đạt tỷ lệ đơn giản hoá khoảng 76%). Với kết quả đề xuất đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuế sẽ cắt giảm khoảng 36,1% chi phí tuân thủ chung cho xã hội về thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Đơn cử như việc phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính liên thông tại bộ phận “Một cửa” về đăng ký thuế, đăng ký kinh doanh và cấp dấu đã giảm thời gian cho DN từ 30 ngày xuống còn 10 ngày làm việc.
Công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế được đầu tư theo chiều sâu, với việc ứng dụng công nghệ thông tin như: Triển khai trang thông tin điện tử tại 63 Cục thuế; vận hành thí điểm hệ thống Kiosk thuế. Thông qua đó, DN và người nộp thuế dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về các chính sách thuế mới, kiểm soát số liệu về khai thuế, nộp thuế... đã tạo nên một hệ thống thông tin đa chiều giúp cho người nộp thuế tiếp cận với chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh nhất cũng như kịp thời phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật thuế với cơ quan chức năng.
Tiếp tục minh bạch hệ thống quản lý thuế
Theo Vụ trưởng Nguyễn Quang Tiến, những nỗ lực cải cách công tác quản lý thuế ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, góp phần tiết kiệm chi phí quản lý thuế; chất lượng đội ngũ CBCC thuế các cấp từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, để có thể đánh giá hoạt động quản lý thuế theo từng năm, từng giai đoạn, kịp thời phản ánh những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác quản lý thuế từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, Tổng cục Thuế đã xây dựng Đề án Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế (tương tự như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động hải quan). Sau hơn 1 năm triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến từ cơ quan Thuế các cấp, Tổng cục Thuế đã chính thức ban hành Hệ thống chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế và triển khai thực thực hiện ngay trong năm 2013.
Việc áp dụng bộ tiêu chí này sẽ giúp cơ quan Thuế đổi mới phương pháp đánh giá hiệu quả hoạt động, từ việc sử dụng thông tin trong nội bộ sang sử dụng kết hợp thông tin nội ngành và ý kiến đánh giá của người nộp thuế, đảm bảo quá trình đánh giá được chính xác, khách quan và minh bạch hơn. Bởi hệ thống chỉ số bao gồm: Đánh giá công tác tuyên truyền hỗ trợ, đánh giá công tác kê khai và kế toán thuế, công tác thanh tra kiểm tra, quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, kiểm tra nội bộ, các hoạt động thuế quốc tế.
Ngành Thuế kỳ vọng thông qua việc áp dụng hệ thống chỉ số đánh giá này tại hệ thống cơ quan Thuế từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp cho Tổng cục Thuế xếp loại chất lượng của các Cục Thuế địa phương, kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý; phân bổ nguồn lực cả về vật chất và con người giữa các cục thuế; thúc đẩy sự cạnh tranh nâng cao chất lượng hoạt động quản lý thuế, góp phần cải cách hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Đây sẽ là kênh trao đổi thông tin, giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan Thuế, góp phần xây dựng lực lượng CBCC thuế theo 4 giá trị: Minh bạch, Chuyên nghiệp, Liêm chính và Đổi mới.
Thu Hằng