Hiện nay,ếtliệtphngchốngbệbxh bd phap huyện Châu Thành đang nỗ lực phòng, chống bệnh tay - chân - miệng, khi bệnh đang diễn biến khá phức tạp tại địa phương này. Cán bộ y tế tuyên truyền phòng bệnh, hướng dẫn sử dụng cloramin B tại nhà hộ dân. Chỉ trong tháng 10, bệnh tay - chân - miệng đã xảy ra gần 50 cas trên địa bàn huyện, trong đó tập trung nhiều nhất ở thị trấn Ngã Sáu, thị trấn Mái Dầm, xã Đông Phước, xã Phú Tân. Điểm đáng lo ngại trên địa bàn huyện có sự biến đổi về độ tuổi trẻ mắc bệnh. Theo bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành: “Đa số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng trước nay là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trong tháng 10 xuất hiện các cas bệnh ở độ tuổi lớn hơn, có trẻ từ 6 đến 8 tuổi mắc bệnh, cho thấy bệnh tay - chân - miệng đang diễn biến phức tạp”. Tính đến hết tháng 10, huyện đã có 123 cas bệnh tay - chân - miệng, tăng 43 cas so với cùng kỳ. Thị trấn Ngã Sáu là địa bàn có diễn biến bệnh tay - chân - miệng phức tạp nhất của huyện. Từ đầu năm đến nay có tổng số 23 cas bệnh và có 2 cas bệnh trên 5 tuổi. Bà Nguyễn Thị Bích Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Trước giờ, trường không có cas bệnh tay - chân - miệng, gần đây mới ghi nhận cas bệnh. Chúng tôi đã làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế, lau chùi, vệ sinh phòng học có trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng bằng cloramin B, hiện tại khống chế không có trẻ bị lây bệnh tay - chân - miệng. Trường tăng cường công tác tuyên truyền các em học sinh giữ gìn vệ sinh phòng bệnh”. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh tay - chân - miệng có thể mắc từ trẻ từ 0 đến 14 tuổi, tuy nhiên đa số trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi nhưng không thể lơ là phòng bệnh đối với trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn vì mức độ nguy hiểm của bệnh. Các biến chứng cũng có thể xảy ra nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Trẻ ở nhóm tuổi trên 5 cũng có nhiều nguy cơ lây bệnh từ trẻ nhỏ. Trước khi bé Nguyễn Tấn Duy, 8 tuổi, mắc bệnh thì em của bé là Nguyễn Thị Quỳnh Như, 4 tuổi, ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, cũng mắc bệnh tay - chân - miệng cách đó 2 ngày. Cả hai em đều nằm viện để điều trị bệnh tay - chân - miệng. Bà Thị Tám, mẹ của hai em cho biết: “Cả hai cháu đều mắc bệnh tay - chân - miệng nên cán bộ y tế hướng dẫn gia đình cách phòng bệnh và phát cloramin B để vệ sinh các vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ”. Trung tâm Y tế huyện Châu Thành đang triển khai mạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay -chân - miệng. Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và giám sát chặt chẽ các cas bệnh mới ghi nhận. Bà Thùy Linh cho hay: “Đối với mỗi cas bệnh, chúng tôi giám sát và tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh cho các gia đình trong bán kính 200m. Huyện đang thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, tính đến nay đã 6 đợt chiến dịch trong năm. Cán bộ y tế đến từng nhà để tuyên truyền vận động, cách 10 ngày đi tuyên truyền một lần để khống chế không để dịch bệnh tiếp tục gia tăng”. Dù rất quyết liệt, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh ở huyện còn khó khăn do một số nhân viên y tế phụ trách công tác chống dịch thay đổi, cán bộ y tế một số trường học thay đổi thiếu kinh nghiệm trong công tác. Bên cạnh đó, chưa có được sự quan tâm của một số hộ dân. Theo khuyến cáo của ngành y tế huyện, người dân cần duy trì thường xuyên thực hành phòng bệnh bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng đúng cách. Tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh để không bị lây bệnh. Thực tế, để phòng bệnh ngoài sự nỗ lực của ngành y tế cần có sự quan tâm của mỗi người dân. Bài, ảnh: HỒNG DIỄM |