Nhiều thử thách Từ đầu năm đến nay, thị trường ôtô trong nước đem lại nhiều "cung bậc cảm xúc" cho giới kinh doanh và khách hàng. Những đợt giảm giá bán mang đến cho người tiêu dùng niềm vui sở hữu xe hơi nhưng cũng làm "đau đầu" không ít DN sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mặc dù được đánh giá là giảm giá sâu nhất từ trước đến nay nhưng sức tiêu thụ trên thị trường ôtô lại không cao so với năm trước. Tính đến hết tháng 8/2017, toàn thị trường đạt 22.099 xe mới bán ra, tăng 7% so với tháng trước nhưng lại giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Sự không ổn định của thị trường được nhắc đến bởi nguyên do người tiêu dùng và cả DN đều chờ đợi mốc 1/1/2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực về 0%, cục diện thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Nhìn xa hơn, điều này cũng phản ánh sự phát triển chưa đồng bộ và tương xứng của ngành sản xuất ôtô Việt Nam trước nhu cầu của thị trường, áp lực hội nhập. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp ôtô trong nước hiện diện khá đầy đủ các tên tuổi lớn của công nghiệp ôtô thế giới như: Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino... ; đưa ra thị trường được hầu hết dòng xe từ thương mại đến du lịch, chuyên dụng. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2016, sản lượng xe tại thị trường Việt Nam đạt trên 280 nghìn chiếc, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…Tính đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 173 DN sản xuất, lắp ráp ôtô, trong đó, 56 DN sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 DN sản xuất từ xe cơ sở, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500.000 xe/năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, DN trong nước khoảng 53%. Không chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 nghìn xe/năm trong năm 2016, không ít DN sản xuất ôtô trong nước đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm xe thương mại (xe khách, xe tải, xe buýt), xe chuyên dụng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu thị trường trong nước với tỷ lệ nội địa hóa cao. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển một cách bài bản và vững chắc, chưa đáp ứng được mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Những tồn tại có thể chỉ ra: Sản xuất đang dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản, chưa có sự hợp tác liên kết giữa sản xuất ôtô và cung cấp phụ tùng; giá bán xe ở mức cao trong khu vực; tỷ lệ nội địa hóa với dòng xe được xem là chủ lực - xe du lịch, vẫn đang ở mức thấp khiến khó tăng dung lượng thị trường để giảm giá bán và cạnh tranh với xe nhập khẩu. Tạo dựng DN dẫn dắt thị trường Nhận ra những "điểm nghẽn" trong quá trình vận hành ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã vào cuộc rốt ráo và mạnh mẽ hơn, thúc đẩy thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, nhằm bảo đảm các mục tiêu đề ra, đặc biệt, giúp công nghiệp ôtô trong nước vững vàng trước cánh cửa hội nhập trong Khu vực ASEAN mở cửa vào năm 2018. Xa hơn, đưa ngành công nghiệp ôtô phát triển ổn định để tạo lực đẩy cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và cân bằng cán cân thương mại.
Tập trung ưu tiên bằng chính sách, cơ chế thuế phù hợp và ưu đãi để hỗ trợ khuyến khích DN, đặc biệt là DN lớn bằng những dự án quy mô, có thể tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa với các ngành kinh tế là mục tiêu chính được Bộ Công Thương xác định để thúc đẩy phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều cuộc tiếp xúc với Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhằm lắng nghe kiến nghị, từ đó đề xuất chính sách phù hợp... Các chính sách đề xuất với Chính phủ tập trung vào xử lý những vướng mắc về vốn, công nghệ, thị trường và mặt bằng. Đơn cử, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) để đưa ra mức thuế suất, sản lượng và lộ trình cụ thể nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp ôtô trong nước phát triển ổn định. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề ra những mục tiêu cụ thể nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Cụ thể, hình thành DN quy mô lớn; tập trung chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN có Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên với công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động. Đồng thời, tập trung phát triển sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển của thế giới; hướng trọng tâm phát triển chủng loại xe tải, xe khách sản xuất trong nước có lợi thế, kết hợp với sản xuất sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; phát triển năng lực công nghiệp trong nước để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, cắt giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ DN Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ôtô để tăng năng lực sản xuất và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với sản phẩm ôtô.
|