Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6.
Tại buổi đối thoại, các đại diện đến từ các đô thị lớn của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng các đối tác đã cùng chia sẻ, thảo luận và đưa ra những giải pháp thực hiện thành công mục tiêu COP21 sau năm 2020. Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, khoảng 66% dân số toàn cầu sẽ cư trú ở các khu vực đô thị vào năm 2050. Quá trình đô thị hóa ở quy mô toàn cầu tất yếu sẽ làm tăng đột biến lượng năng lượng tiêu thụ cũng như tài nguyên thiên nhiên. Các thành phố tại khu vực Đông Nam Á ở các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia… hiện hữu nguy cơ trở thành các nhà máy phát thải nhà kính lớn. Để phát triển bền vững, tìm các biện pháp giảm carbon dioxide sẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các đô thị này trong tương lai. Tại Việt Nam, ước tính lượng phát thải nhà kính của riêng năm 2010 đã bằng tổng lượng phát thải nhà kính của toàn thế giới vào năm 1850. Là một thành viên tham gia COP21, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ từ quốc tế. Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Chính phủ Việt Nam cũng đưa ứng phó với BĐKH là 1 trong 17 mục tiêu để phát triển bền vững. Dù vậy, theo ông Koji Fukuda, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), sau thỏa thuận Paris, Việt Nam vẫn chưa có một văn bản mang tính pháp lý nào nhằm hướng dẫn thực hiện COP21 tại các địa phương. Hiện tại, JICA đang hỗ trợ Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam trong việc xây dựng nghị định gồm lộ trình và phương thức thực hiện thỏa thuận COP21, dự thảo đã hoàn thiện và sẽ sớm trình lên Chính phủ Việt Nam, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để việc thực hiện các cam kết Thỏa thuận Paris sau năm 2020 một cách thuận lợi và hiệu quả. Được biết JICA cũng là đơn vị hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh triển khai dự án “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia” (SPI-NAM) do Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì và bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan. Tại đối thoại, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, biến đổi khí hậu là một thách thức lớn nhất mà tất cả các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Việc tìm ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả COP21 là yếu tố tiên quyết giải quyết thách thức trên. Hiện hơn 190 thành viên của cam kết COP21 đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp quan trọng để sẵn sàng hướng đến thực hiện các mục tiêu. |