Nội dung đầu tiên được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt lên bàn nghị sự là cho ý kiến báo cáo tình hình kinh tế- xã hội bổ sung năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Nêu bối cảnh đặc biệt của năm 2022 là ngoài thực hiện nghị quyết của kỳ họp Quốc hội thường kỳ còn có việc triển khai thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2022) và gói hỗ trợ 347 ngàn tỷ của Chương trình này chỉ được giải ngân trong hai năm 2022 - 2023. Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ là ông rất lo ngại vì đã nửa năm 2022 rồi mà gói 347 ngàn tỷ của Chương trình phục hồi rất chậm. "Nghị quyết 43 yêu cầu điều hòa nguồn vốn đầu tưcông trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự ántrọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2022, trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo quy định để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023. Nhưng đến nay mới bổ sung thêm dự toán có 18.000 tỷ thì nhằm nhò gì, giữa nói và làm là không đi đôi với nhau. Mà nếu hết năm 2023 không giải ngân được thì sẽ trình Quốc hội dừng lại, vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa", Chủ tịch Quốc hội lưu ý. Sau đó, ông Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần giải trình rất kỹ trước Quốc hội về việc chậm trễ điều hoà vốn, vì "lúc trình ai cũng nói là giải ngân được, thế nhưng cơ chế đặc thù cũng cho hết rồi thì không hiểu lý do vì sao chậm, cần phải báo cáo rõ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Liên quan đến vấn đề này, báo cáo của Chính phủ phát hành ngày 10/5/2022 cho biết, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách. Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, thời hạn cụ thể, trong đó có 11 nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn theo trình tự, thủ tục rút gọn để sớm ban hành và triển khai thực hiện ngay từ Quý I năm 2022. Báo cáo nêu rõ, hầu hết các bộ, cơ quan đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai hai nghị quyết nói trên và khẩn trương, tích cực triển khai công việc được giao, bảo đảm yêu cầu theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình; trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bộ cũng đã dự thảo hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội và Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về nội dung trên trong tháng 5/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được văn bản của 16/16 địa phương tự đánh giá năng lực, kinh nghiệm và khẳng định việc làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc Chương trình qua địa bàn mình; trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình. |