| Một điển hình về hàng “đội lốt” Triumph xuất Nhật. |
Dùng chiêu giảm giá “đẩy” hàng nhái Đồ lót hàng hiệu luôn là mặt hàng được các chị em quan tâm và ưa chuộng tuy có khác biệt về giá và chất lượng với những sản phẩm thông thường,dởmsoi keo hy lap nhưng sức hút của mặt hàng này chưa bao giờ giảm nhiệt. Là một tín đồ hàng hiệu, chị Quách Thu Trang, nhân viên một Ngân hàng ở Hà Nội cho biết: “Nếu đã từng sử dụng đồ lót hàng hiệu thì khó mà thích được những loại đồ lót khác, chưa kể hàng có thương hiệu nổi tiếng có chất lượng vượt trội hơn hẳn về độ bền, form và màu sắc. Tuy nhiên, nếu không tinh mắt rất dễ dính “quả lừa” vì hiện tại có quá nhiều hàng nhái”. Theo chị Trang, thực tế đã không ít các chủ shop thời trang trà trộn những loại đồ lót nhái thương hiệu nổi tiếng lẫn với sản phẩm xịn để bán kiếm lời. Với chiêu “sale off – giảm giá” các loại đồ lót nhái tuy đã được bán với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 hàng chính hãng vẫn có giá chênh lệch rất cao so với những sản phẩm cùng nguồn gốc. “Nếu muốn mua hàng nhái, chỉ cần lên mạng gõ chữ “áo ngực chính hãng” thì một loạt các địa chỉ bán hàng online hiện lên các sản phẩm Triumph, Bonbon, Wacoal... với giá chỉ 130.000 đồng – 200.000đồng/chiếc”, chị Trang nói. Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, hầu hết các loại đồ lót nhái hàng hiệu đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Về kiểu dáng, tem nhãn và mẫu mã không khác gì hàng xịn. Chị Đỗ Thủy (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), chủ một shop chuyên kinh doanh về đồ lót chính hãng cho hay, không chỉ trên mạng, rất nhiều nơi bán hàng lượn lẹo cố tình xen lẫn những sản phẩm nhái cùng hàng xịn để bán cho khách hàng, “ Có những nơi quảng cáo là hàng xách tay hoặc hàng chính hãng giảm giá nhưng thực tế đó là những sản phẩm nhái. Nếu không rành khách hàng có thể bỏ tiền mua phải những sản phẩm Tàu có giá trị thực chỉ bằng 1/5 hàng chính hãng”, chị Thủy cho biết. Chị Hà Thu Trà, nhân viên bán hàng đại lý trực thuộc Triumph tại phố Kim Mã (Hà Nội) cũng khẳng định, áo ngực chính hãng của Triumph không bao giờ có giá rẻ như vậy, ngay kể cả khi được khuyến mại giảm giá. “Hàng chính hãng được rao dưới giá 200.000 đồng chỉ có thể xảy ra khi đó là hàng cũ 70 – 80%, hàng để lâu và bẩn nên công ty thu hồi. Rất có thể người bán hàng đã sử dụng chiêu khuyến mại giảm giá để bán hàng chính hãng nhưng thực chất chỉ là hàng nhái mà thôi. “Giá một chiếc áo ngực rẻ nhất trong thời điểm này là 329.000 đồng. Sản phẩm đắt nhất của Triumph hiện nay lên đến 1.999.000 đồng/chiếc”, chị Trà cho biết. | Những quảng cáo rao bán áo ngực chính hãng giá rẻ đang tràn lan trên mạng Internet. |
Đội lốt hàng xuất khẩu Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại đồ lót với nhiều xuất xứ khác nhau. Đa dạng nhất phải nói đến các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc được bán tràn lan tại các chợ, các shop thời trang. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nơi quảng cáo bán đồ lót “made in Viet Nam” xuất khẩu. Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam, hiện nay không ít người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn những sản phẩm có mác “made in Viet Nam” là hàng sản xuất tại Việt Nam. Bởi thực tế không ít tiểu thương ở các chợ lợi dụng sự nhầm lẫn này, đã biến hàng hóa Trung Quốc, trong đó có đồ lót Trung Quốc thành hàng “made in Viet Nam” bằng cách cắt nhãn mác cũ đi và thay vào đó nhãn mới. Theo bà Phạm Thị Thuý, Giám đốc công ty Pháp Việt chuyên sản xuất áo lót, cho biết: “Để may một chiếc áo ngực, tiền công thợ đã là 30.000 đồng, 25 loại nguyên phụ liệu phải đặt mua từ nhiều nơi, số lượng lớn thì giá thành cũng khoảng 50.000 – 58.000 đồng/chiếc, cộng các khoản thuế, tiền mặt bằng, chiết khấu bán lẻ… giá áo ngực Việt Nam không thể nào rẻ như hàng đang có ở chợ được”. Hiện áo ngực của Việt Nam sản xuất có giá trung bình từ 120.000 – 250.000 đồng/chiếc. Với thủ thuật phù phép hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam xuất khẩu, các shop bán đồ lót đang kiếm chênh lệch từ những sản phẩm nhái thương hiệu này với con số không hề nhỏ. “ Một chiếc áo ngực nhập từ Trung Quốc chỉ có giá khoảng 25.000 đồng, nếu được gắn mác hàng Việt Nam thì nó sẽ có giá từ 120.000 đồng trở lên”, chị Hồng – chủ một cửa hàng bán đồ thời trang trên phố Tây Sơn (Hà Nội) tiết lộ. Chưa hết, với những loại đồ lót có thương hiệu như Triumph, Vera được sản xuất tại Việt Nam nhưng được quảng cáo là hàng xuất Nhật cũng được đẩy giá lên trời nhằm lừa phỉnh những khách hàng nhẹ dạ. Theo tư vấn của thành viên heroscat – nhân viên kinh doanh của nhãn hàng Triumph trên diễn đàn lamchame, hiện nay có rất nhiều người kinh doanh hàng Triumph, bên cạnh hàng chính hãng thì hàng nhái cũng rất nhiều, điển hình là hàng “đội lốt” Triumph xuất Nhật. | Đồ lót Trung Quốc giả danh "made in Viet Nam" bán đầy chợ |
“ Khách hàng cần phải lưu ý tem nhãn đính trên áo, cho dù là xuất đi đâu thì hàng chính hãng trên tem phải ghi "made in Viet Nam" chứ không phải ghi mấy chữ Nhật rồi tung hô là hàng xuất Nhật. Nếu đúng là hàng xuất Nhật thì giá chỉ rẻ tương đối so với hàng Triump ở Việt Nam chứ không rẻ hơn quá nhiều”, thành viên heroscat chia sẻ. Cũng theo các chị em có kinh nghiệm mua và sử dụng đồ lót hàng hiệu, khi mua đồ lót cần lưu ý hàng chính hãng khi rờ nhẹ sẽ thấy mịn tay còn hàng nhái sẽ hơi khô ráp hơn, màu sắc hàng nhái thấy “lì” hơn vì dùng thuốc nhuộm kém chất lượng. Ngoài ra, khi chọn mua hàng, chị em muốn mua những chiếc áo ngực từ 300.000 đồng/chiếc trở lên thì nên tìm đến đại lý trực thuộc của các hãng, tránh bị “làm phép” đánh tráo chất lượng qua chiêu thức giá rẻ bất ngờ như ở một số cửa hàng hiện nay. Mẹo lựa chọn đồ lót chính hãng: Để xác định sản phẩm có đúng là chính hãng hay không, cần lưu ý những yếu tố sau đây: Nhãn giấy (Paper Tag): + Được đính vào sản phẩm để giúp nhận biết sản phẩm đó thuộc nhãn hàng nào của công ty + Trên nhãn giấy có thông tin về mã hàng, kích cỡ, mã màu và mã vạch của sản phẩm + Phía sau nhãn giấy có in địa chỉ của công ty, địa chỉ của nhà máy nơi sản xuất ra sản phẩm Nhãn giặt (Washing label): + Được may dính vào sản phẩm, phải còn nguyên vẹn, không bị cắt góc và không bị nhàu nát. + Trên nhãn giặt: Có logo của nhãn hàng, ghi rõ loại sản phẩm (Áo lót, quần lót…) + Mã hàng, tên, kích cỡ và mã màu của sản phẩm (trùng khớp với nhãn giấy) + Thành phần nguyên liệu, ký hiệu hướng dẫn và bảo quản sản phẩm + Xuất xứ của sản phẩm: ví dụ Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia… Nên lưu ý tất cả thông tin phải được in bằng tiếng Việt, một số sản phẩm quần lót được đóng gói trong bao bì như hộp giấy, túi Plastic… thì không có nhãn giấy, nhưng bắt buộc phải có nhãn giặt như nêu trên. |
Thanh Uyên |