VHO – Tối 21.10,ậnđộngtraonhuyếuphẩmchongườidânởnguycơsạtlởnúti so aston ông Giáp Hùng Vương Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) cho biết, trên địa bàn có mưa lớn nguy cơ sạt lở núi Mang Kà Muồng ở thôn Nước Tang, chính quyền đã đến vận động và tặng nhu yếu phẩm cho các gia đình ở khu vực này.
Huyện Sơn Hà đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND xã Sơn Bao khẩn trương triển khai cắm biển cảnh báo tại 2 đầu điểm sạt lở núi Mang Kà Muồng để cảnh báo cho người và phương tiện qua lại. Phân công, bố trí người thường xuyên theo dõi, quan sát điểm sạt, trượt đất để kịp thời xử lý.
Lập nhóm zalo thông báo kịp thời về tình hình, diễn biến điểm sạt, trượt. Theo dõi thường xuyên diễn biến mưa, lũ để tổ chức di dời, sơ tán ngay người dân đến nơi an toàn đã chuẩn bị trước khi khu vực có mưa to theo phương châm “đi trước, về sau”.
Đồng thời, chủ động, bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”. Khuyến cáo, vận động các hộ dân, chủ rừng tạm thời chưa khai thác diện tích cây keo để hạn chế sạt lở núi Mang Kà Muồng…
Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bổ sung phương án đảm bảo an toàn cho người dân khu vực sạt lở núi Mang Kà Muồng vào phương án ứng phó thiên tai của huyện. Khẩn trương tổ chức khảo sát cụ thể phạm vi vùng sạt lở, vùng nguy cơ sạt lở núi Mang Kà Muồng để xác định chính xác phạm vi ảnh hưởng, đối tượng ảnh hưởng, đề xuất tham mưu UBND huyện phương án xử lý phù hợp, tối ưu, hoàn thành trước ngày 30.10.
Được biết, núi Mang Kà Muồng là điểm sạt lở mới phát hiện. Qua kiểm tra, phát hiện điểm sạt lở núi đã xuất hiện các vết nứt đất dài 60 m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2 m, chân núi có đất, đá sạt xuống bên dưới.
Đáng chú ý, vết sạt lở này đang đe dọa trực tiếp nhà ở của 4 hộ dân (hơn 20 nhân khẩu), điểm Trường mầm non Hướng Dương có 1 cô giáo và 27 trẻ cùng nhà văn hóa thôn dưới chân núi. Bên cạnh đó, nguy cơ sạt lở còn gây ảnh hưởng đến nhà ở của 5 hộ dân sống lân cận, 5.000 m2 đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và rừng keo trồng.
Tại Quảng Ngãi, chỉ tính riêng các huyện vùng cao đã có 160 điểm nằm trong diện cảnh báo nguy cơ sạt lở núi, đồi, ảnh hưởng đến 2.061 hộ dân/ 8.614 khẩu, trong đó, số điểm có nguy cơ cao sạt lở đồi núi: 67 điểm với 1.013hộ/ 4.003 khẩu.
Ngày 21.10, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong 24 giờ qua, khu vực Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa tính từ 15 giờ ngày 20.10 đến 15 giờ ngày 21.10 phổ biến 70 - 170mm.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc tỉnh Quảng Ngãi đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái gần bão hòa trên 90%.
Cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các xã trong tỉnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ, dòng chảy cấp 1.
Trước tình hình trên, các địa phương có điểm sạt lở khẩn trương lên phương án ứng phó.
Dự báo khả năng từ chiều 21.10 đến chiều 23.10, khu vực Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh trong dông. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm.
Trong 48 giờ đến 72 giờ tới khu vực có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh trong dông. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 20-40mm/24 giờ, có nơi trên 50mm/24 giờ. Từ chiều 24.10 mưa trên khu vực có khả năng giảm nhanh.