Theo thống kê từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 14 triệu ô tô điện mới được đăng ký trên toàn cầu vào năm 2023, nâng tổng số xe điện lưu thông trên đường lên 40 triệu. Doanh số bán xe điện vào năm 2023 cao hơn 3,5 triệu xe so với năm 2022, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn 6 lần so với 5 năm trước đó.
Đến năm 2030, IEA dự đoán hơn 60% xe bán ra trên toàn cầu sẽ là xe điện. So với xe động cơ đốt trong, xe điện không xả khí thải từ ống xả, không đóng góp thêm CO2, NOx và ô nhiễm dạng hạt vào không khí.
Điều này rất quan trọng, vì giao thông chiếm khoảng 1/5 lượng khí thải toàn cầu, trong đó giao thông đường bộ chiếm tới 3/4 lượng khí thải đó. Phần lớn lượng khí thải này đến từ các phương tiện ô tô và xe buýt chiếm 45,1%. Còn 29,4% đến từ xe tải chở hàng.
Số lượng phương tiện này sẽ còn tăng lên, do sự gia tăng dân số và thay đổi nhân khẩu học thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường bộ, chưa kể đến sự gia tăng của thương mại điện tử thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa và giao hàng.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra 1/9 ca tử vong trên toàn thế giới, việc điện hóa hệ thống giao thông sẽ đảm bảo tương lai an toàn hơn và xanh hơn cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, vẫn rất ít xe điện chạy bằng năng lượng tái tạo và điều này cần thay đổi. Hầu hết các quốc gia vẫn dựa vào than, khí đốt tự nhiên và dầu để tạo ra điện. Do vậy, điện dùng để sạc xe điện phần lớn vẫn được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh giúp xe điện "sạch" hơn nữa và loại bỏ phần phát thải trong quá trình vận hành (chủ yếu do sạc pin).
Ở hướng ngược lại, xe điện cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình xanh hóa năng lượng. Ô tô cá nhân dành 95% thời gian để đỗ và các nhà hoạch định năng lượng đang tìm cách tận dụng khoảng thời gian chết này nhằm giải quyết vấn đề lớn nhất khi mở rộng lưới điện tái tạo: tính ổn định.
"Xe điện ở quy mô lớn có thể tạo ra khả năng lưu trữ điện đáng kể", Dolf Gielen, giám đốc Trung tâm Đổi mới và Công nghệ của IRENA cho biết và giải thích, sạc thông minh, vừa sạc xe vừa hỗ trợ lưới điện, mở ra vòng tròn lành mạnh trong đó năng lượng tái tạo giúp giao thông sạch hơn và xe điện hỗ trợ ngược lại cho lưới điện tái tạo.
Công nghệ để thực hiện điều này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Cho đến nay, Nissan Leaf là nhà sản xuất xe điện hàng loạt duy nhất trên thị trường cho phép sạc từ xe đến lưới điện (V2G). Hyundai, Kia và Lucid đều có kế hoạch đưa công nghệ này vào các phương tiện trong tương lai.
Với kế hoạch tốt và cơ sở hạ tầng phù hợp, xe điện có thể giảm khí thải, thay thế các phương tiện gây ô nhiễm và thúc đẩy việc triển khai cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Với công nghệ V2G, khi đỗ và cắm điện, xe điện hoạt động như các "ngân hàng" pin, ổn định lưới điện tái tạo, vốn chịu nhiều biến động trong ngày do ảnh hưởng của thời tiết.
- Nổ lớn tại hầm chung cư ở Bình Dương, nguyên nhân từ bóng đèn
- Mũi điện tử phát hiện thực phẩm nguy hiểm
- Ban hành 5 Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thực hiện FTAs
- Honda Việt Nam sẽ bán Accord mới rẻ hơn?
- Tình báo Mỹ: 'bom máy tính' qua mặt an ninh sân bay!
- FPT và Nokia bắt tay vì Nokia Lumia
- Gần 1 tỷ đồng tặng trẻ em nghèo và nạn nhân chất độc da cam
- Infographics: Fed giữ nguyên lãi suất cơ bản gần bằng 0%
- Hàn Quốc: Phức tạp trong việc thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol
- Bugatti Veyron lỗ 6 triệu USD trên mỗi xe
- Xuất khẩu Đức giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009
- Giá dầu Brent tiến sát mốc 60 USD/thùng
- Quy chuẩn kỹ thuật về an toàn vật liệu nổ công nghiệp
- Chính sách tài khóa thúc đẩy nền kinh tế