游客发表
发帖时间:2025-01-11 05:14:55
Xu hướng tăng
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2016, mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp, mặt bằng lãi suất đã được giữ ổn định. Cụ thể, sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 mặt bằng lãi suất huy động đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9-2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bước sang năm 2017, “lịch sử” tăng lãi suất huy động đang có chiều hướng lặp lại khi không ít ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động từ 0,1-0,3%/năm, nhiều ngân hàng còn nâng lãi suất lên tới 0,5%/năm cho những khách hàng có lượng tiền gửi lớn, kỳ hạn dài.
Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng 0,2% lãi suất ở kỳ hạn 2 tháng từ 4,9% lên 5,1%/năm và kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng từ 5,9% lên 6%/năm. Một số ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng tăng thêm 0,1-0,3% mỗi năm cho lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất bình quân kỳ hạn dưới 12 tháng nằm ở mức từ 4,8-6,3%, trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức từ 6,9-7,8%, thậm chí, có ngân hàng đang niêm yết lãi suất lên tới 8%/năm.
Cùng với việc tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại còn tung ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn nhằm thu hút khách hàng gửi tiền từ những ngày đầu năm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Như vậy, mức lãi suất và việc thu hút người gửi tiền đang có xu hướng khá giống với cùng kỳ năm 2016.
Áp lực ngắn hạn
Theo báo cáo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo Thống kê, NHNN thực hiện, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của ngành ngân hàng tiếp tục được cải thiện trong năm 2017. Các TCTD tiếp tục lạc quan về khả năng thu hút nguồn vốn huy động từ nền kinh tế trong năm 2017 trước những dự báo về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn năm trước, đồng tiền ổn định và lạm phát nằm trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ thêm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Chính vì thế, nguyên nhân chủ yếu của việc tăng lãi suất huy động gần đây khá giống năm ngoái, chủ yếu do yếu tố mùa vụ, khi dịp Tết thường là tháng cao điểm người dân và doanh nghiệp rút tiền ra để chi trả lương, thưởng, mua sắm Tết… Hơn nữa, lãi suất huy động tăng còn do đầu năm thường là thời điểm kiều hối đổ về lớn, các ngân hàng phải tung “chiêu” hấp dẫn để thu hút người gửi tiền. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn tăng mạnh dịp cuối năm khiến các ngân hàng phải tích cực hơn trong việc huy động vốn, chuẩn bị nguồn vốn cho mùa kinh doanh mới.
Một nguyên nhân khác là bắt đầu từ ngày 1/1/2017, lộ trình thực hiện giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 50% theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD bắt đầu có hiệu lực. Điều này khiến các ngân hàng phải gấp rút chạy đua huy động vốn trung và dài hạn, nên lãi suất tăng mạnh chủ yếu với tiền gửi tại các kỳ hạn dài, lượng tiền lớn.
Tuy nhiên, mặc dù NHNN cũng như các ngân hàng đều nêu cao mục tiêu giữ ổn định lãi suất, nhưng các chuyên gia kinh tế lại không mấy lạc quan về khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới. Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng hạ lãi suất trong thời gian tới, thậm chí, ông còn đặt ra nghi ngại về việc lãi suất có thể tăng lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong năm 2017, các chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Còn trong nước, mục tiêu kiềm chế lạm phát và đảm bảo mức tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 và “nút thắt” nợ xấu cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho ngành ngân hàng.
Trên thực tế, ngoài yếu tố bên ngoài thì những thách thức nội tại của ngành ngân hàng hoàn toàn không có gì mới. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, xử lý được những vướng mắc này thì lãi suất sẽ có thêm nhiều điều kiện để giảm xuống. Điều này cần sự cố gắng không chỉ từ phía bản thân các TCTD mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, thậm chí, đã đến lúc cần đến nguồn lực của các tổ chức nước ngoài.
Trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành liên tiếp 3 chỉ thị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảm bảo ổn định hoạt động ngân hàng, chính sách tiền tệ. Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD phải điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Còn trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, Thống đốc đã nghiêm cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong huy động vốn; nghiêm cấm sử dụng các biện pháp vi phạm trần lãi suất, che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh.
Nhìn chung, áp lực lên lãi suất của hệ thống ngân hàng vẫn luôn thường trực bởi nền kinh tế Việt Nam đã theo đúng diễn biến của nền kinh tế thị trường và chịu tác động bởi nền kinh tế thế giới. Diễn biến lãi suất những tháng đầu năm 2017 có thể chỉ trong ngắn hạn như những năm trước đây, nhưng với những biến động khách quan và chủ quan luôn thường trực, hệ thống ngân hàng phải chuẩn bị mọi biện pháp để ổn định theo đúng những mục tiêu đã đề ra.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接