发布时间:2025-01-12 18:20:30 来源:Empire777 作者:Cúp C2
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Quang Hàm, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội.
PV: Vừa qua, Chính phủ đã nhấn mạnh quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, để qua đó đảm bảo được các cân đối vĩ mô, trong đó bao gồm các chỉ tiêu như nợ công, bội chi... Thưa ông, nếu giả sử GDP không đạt mục tiêu, các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
- ĐB Hoàng Quang Hàm: Tốc độ tăng trưởng GDP thể hiện kết quả phát triển kinh tế đồng thời thể hiện khả năng có thể huy động nguồn thu từ nền kinh tế vào ngân sách nhà nước (NSNN). Khi xây dựng dự toán thu ngân sách phải dựa vào dự báo tốc độ tăng trưởng cho nên về nguyên lý, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu thì thu ngân sách nhà nước cũng không đạt dự toán.
Tuy vậy, thực tế hiện nay dù tăng trưởng không đạt mục tiêu nhưng bằng cách điều hành, sử dụng các chính sách thu chúng ta vẫn thu đạt hoặc vượt dự toán do đó vẫn có nguồn để chi theo dự toán. Vì thế nếu giữ số bội chi và tổng số vay theo dự toán (đảm bảo số tuyệt đối theo dự toán), thì khi tăng trưởng không đạt mục tiêu, tỷ lệ bội chi sẽ cao hơn Nghị quyết của Quốc hội, tỷ lệ nợ công cũng tăng thêm lên so với kỳ vọng ban đầu khi lập dự toán, do khi GDP không đạt, mẫu số sẽ giảm đi nhưng tử số cơ bản không thay đổi. Đây là một lý do khiến tỷ lệ bội chi, nợ công trên GDP của chúng ta nhiều năm nay đã liên tục tăng làm ảnh hưởng đến an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
|
PV: Về nguyên lý kết quả thu ngân sách phải tăng giảm cùng chiều với kết quả tăng trưởng GDP, nhưng vì sao GDP không đạt mà chúng ta vẫn thu đạt mục tiêu, thực trạng này ảnh hưởng như thế nào đến điều hành ngân sách, thưa ông?
- ĐB Hoàng Quang Hàm: Đó là vì hiện nay nhiều khoản thu của chúng ta không phải từ nội lực của nền kinh tế mà do điều chỉnh chính sách thu để nỗ lực hoàn thành kế hoạch thu, bù đắp cho nhu cầu chi tiêu rất lớn. Có thể thấy, nhiều khoản thu không phải từ phát triển kinh tế như thu thoái vốn, hay thu từ đất đai, thu bán dầu thô... Do đó, dù thu đủ nhưng thực ra không phải nhờ phát triển kinh tế, mà từ nguồn lực sẵn có và các nguồn thu này không bền vững, có giới hạn do thoái vốn, đất đai, dầu mỏ… đều có giới hạn về khai thác, sử dụng.
Thực trạng tăng trưởng không đạt mục tiêu nhưng thu vẫn đạt hoặc vượt dự toán để đảm bảo nguồn để chi theo dự toán nên rất khó khăn trong việc cắt giảm chi để bảo đảm tỷ lệ bội chi, nợ công không vượt ngưỡng cho phép. Tỷ lệ bội chi các năm gần đây đều vượt ngưỡng Quốc hội qui định, còn nợ công gia tăng nhanh đã rất gần mức trần Quốc hội cho phép. Chính phủ, Bộ Tài chính luôn mong muốn giảm được tỷ lệ nợ công, bội chi cách xa mức trần để còn dư địa điều hành nhưng khi GDP thấp hơn kế hoạch, các tỷ lệ này bị “trượt đi”, khiến dư địa điều hành không còn.
Một vấn đề nữa khiến chúng ta không kiểm soát được chặt chẽ bội chi, nợ công là việc giải ngân ODA. Trước đây, dự toán ODA thường giao thấp, giải ngân thực tế lại cao, khiến cho chi đầu tư, bội chi, nợ công đội lên. Chẳng hạn như năm 2014 khi phê chuẩn quyết toán năm 2014, Quốc hội phải bổ sung dự toán 26.169 tỷ đồng để có căn cứ pháp lý quyết toán nguồn vốn ODA giải ngân vượt dự toán được giao; năm 2015 do giải ngân vượt rất cao so với dự toán nên đến tháng 10/2015, Chính phủ phải trình Quốc hội bổ sung dự toán cho nguồn vốn ODA là 30.000 tỷ đồng.
PV: Vì sao lại có tình trạng chi đầu tư, giải ngân ODA vượt dự toán như vậy, thưa ông?
- ĐB Hoàng Quang Hàm: Bên cạnh những nguyên nhân do quyết toán các khoản chi đầu tư từ chuyển nguồn năm trước sang, chi từ nguồn tăng thu… theo tôi có 2 nguyên nhân quan trọng.
Nguyên nhân thứ nhất: Nghị quyết 07 – NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững nêu rõ, phải gắn việc quyết định chi, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách và trả nợ công. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được điều này. Hiện nay, người cam kết vay, người đi vay, người sử dụng, người trả nợ và quyết toán là khác nhau, rất nhiều đầu mối. Vì thế, khi đi vay chúng ta khó nhìn được bài toán tổng thể. Rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này là Bộ Tài chính, nhưng việc vay lại do nhiều cơ quan khác nhau. Khi chia ra nhiều đầu mối thì khó quản lý hơn.
Nguyên nhân thứ 2 là do giao dự toán. ODA là khoản khó giao dự toán, nhưng nó cũng có thể được giao tương đối chính xác và quá trình điều hành cần thiết thì điều chỉnh. ODA là khoản tiền vay của nhà tài trợ, đã có cam kết rõ ràng. Loại trừ một số dự án khó khăn về giải phóng mặt bằng, còn lại đều có thể xác định tiến độ thực hiện. Nhưng hiện nay việc giao dự toán chưa phù hợp theo cam kết của nhà tài trợ và tiến độ thực hiện chương trình, dự án, do đó dẫn đến tình trạng thực hiện vượt dự toán, buộc phải bổ sung, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu bội chi, nợ công. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Chỉ khi chúng ta quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, công khai và khách quan thì việc kiểm soát bội chi mới được chặt chẽ.
PV: Vậy chúng ta nên giải quyết bài toán điều hành này thế nào? Có nên chấp nhận việc vượt tỷ lệ tương đối bội chi hay nợ công để giữ ổn định nhiệm vụ chi, hay quyết tâm cắt giảm chi để giữ các tỷ lệ bội chi, nợ công trong giới hạn đặt ra?
- ĐB Hoàng Quang Hàm: Vấn đề ở đây là việc tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị về nợ công, bội chi... Năm nay (2017), chúng ta đã đặt mục tiêu giảm mạnh bội chi xuống còn 3,5%, nhưng việc đạt mục tiêu là rất khó nếu GDP không đạt, như tôi đã phân tích.
Về nguyên tắc, để đảm bảo các tỷ lệ bội chi, nợ công khi GDP không đạt là phải cắt giảm các nhiệm vụ chi. Tuy nhiên, cắt giảm này không thể làm theo cách cào bằng, phạt ngang mà phải theo thứ tự ưu tiên.
Hiện nay, chúng ta chưa sắp xếp được thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ chi, chưa có bộ tiêu chí đầy đủ để thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra), do đó xác định nhiệm vụ chi nào cần ưu tiên hơn, nhiệm vụ chi nào cấp bách hơn là rất khó khăn. Nếu bày ra ngồi bàn thì khoản chi, nhiệm vụ chi nào cũng cấp bách, dự án nào cũng quan trọng. Nhưng nếu tất cả đều cấp bách thì vẫn phải có những nhiệm vụ cấp bách hơn. Ví dụ như, nếu xảy ra cháy nhà, có thể mất tài sản, mất tính mạng, ta phải lựa chọn chạy để cứu tính mạng hay nhảy vào cứu tài sản. Rõ ràng chúng ta sẽ lựa chọn cứu tính mạng dù sau đó có thể mất sạch tài sản.
Với các nhiệm vụ chi tiêu cũng vậy, phải quyết liệt xác định rõ nhiệm vụ nào ít cấp bách, ít tác động hơn, có như vậy mới giảm được chi. Đây là bài toán rất khó khăn, thuyết phục được nhau khi bàn bạc rất khó, nhưng buộc phải làm nếu muốn đảm bảo sự cân đối, an toàn trong tài chính ngân sách.
PV: Quả là bài toán rất khó, vậy nếu cuối năm GDP không đạt, liệu chúng ta có nên chấp nhận các chỉ tiêu khác cũng có thể không đạt?
- ĐB Hoàng Quang Hàm: Đến cuối năm, khi GDP tính xong thì các nhiệm vụ chi cũng đã xong, liệu còn cách nào nữa? Theo tôi, chúng ta nên xác định mục tiêu điều hành ngân sách là có thu thì chi, hay mục tiêu điều hành ngân sách gắn với quản lý nợ công, bội chi ngân sách. Nếu chúng ta chọn có nguồn thu thì chi thì hiện nay vẫn đảm bảo mục tiêu này. Nhưng nếu chọn điều hành gắn với an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia, chọn mục tiêu là không vượt tỷ lệ bội chi, nợ công thì phải điều chỉnh.
Quốc hội đã có bước đi cứng rắn hơn là yêu cầu không ban hành chính sách mới làm tăng chi hay làm giảm thu ngân sách. Nhưng trong thực tế, có những lúc thiên tai, xâm nhập mặn… cần phải chi ngân sách. Đó là những khoản không được dự toán nhưng không thể không làm. Hay như chính sách làm giảm thu, hiện nay chúng ta vẫn phải thực hiện ưu đãi, thực hiện cam kết hội nhập, nên vẫn phải ban hành chính sách làm ảnh hưởng đến nguồn thu, không tránh được. Chính phủ rất muốn tiết kiệm chi, nhưng việc cắt giảm rất khó thuyết phục. Ngay như câu chuyện điều tiết ngân sách kỳ vừa qua, đã gặp rất nhiều ý kiến khác nhau ngay từ đại biểu Quốc hội, nên câu chuyện điều hành là bài toán không dễ có lời giải chính xác, thuyết phục.
PV: Vậy theo ông, Chính phủ, Quốc hội nên có động thái gì mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này?
- ĐB Hoàng Quang Hàm: Theo tôi, điều khó khăn nhất là Chính phủ phải xác định ngưỡng bội chi, nợ công đến mức độ nào là nguy hiểm, phải dừng. Việc tuân thủ được Nghị quyết Quốc hội là tuân thủ pháp luật, nhưng nhiều phát sinh trong điều hành cũng khó đình hoãn. Trong trường hợp khó tuân thủ thì Chính phủ phải có giải trình hợp lý với Quốc hội để được điều chỉnh và phải kiểm soát được, phải xác định được “lằn ranh đỏ” để không bước qua.
Nếu không, tình trạng này vẫn tiếp diễn, chi vẫn thực hiện bình thường do thu vẫn đạt, cuối năm tỷ lệ bội chi lại vượt Nghị quyết của Quốc hội do GDP không đạt. Tổng số nợ công không tăng nhưng tỷ lệ lại vượt so với yêu cầu đặt ra khi lập kế hoạch.
Còn đối với nợ công, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cần có các chỉ tiêu để giám sát nợ công. Ví dụ nếu lãi tăng nhiều thì phải giảm khoản vay nào, khoản chi nào cho phù hợp, tỷ giá biến động thì phải cơ cấu lại ra sao…?
Ngoài ra, nợ công hiện nay tăng còn do quản lý. Như tôi đã nói, chúng ta chưa có sự quản lý thống nhất về nợ công. Nhiều đầu mối nên khi phát sinh khoản vay mới, khó tính được bài toán tổng thể nợ công.
Giống như trong một gia đình, người con có nhu cầu chi tiêu là đi vay vì ở góc độ của con việc đó là rất cần thiết, nhưng người con không biết rằng gia đình mình có bao nhiêu tiền, đang nợ bao nhiêu, mà chỉ biết bố mẹ sẽ trả. Nếu bố mẹ tiếp tục chi trả thì sẽ tạo thói quen là khi cần thì cứ tiêu, bố mẹ sẽ lo trả, dù có khó khăn thế nào. Ở đây tôi không phê phán ai nhưng rõ ràng chúng ta cần phải có tư duy tổng hợp và thống nhất.
Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ: “Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công…”. Làm được như vậy, chúng ta sẽ giải được bài toán này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Yến (thực hiện)
相关文章
随便看看