Từ ngày 27 đến 30-7, Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron đã có chuyến công du 4 ngày tới 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Mục đích chính của chuyến thăm là tăng cường quan hệ thương mại giữa Anh với các nền kinh tế đang có triển vọng trong khu vực, bên cạnh đó là tạo dựng một liên minh từ xa để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cùng tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng David Cameron trong chuyến công du Đông Nam Á vừa qua, ông Sajid Javid, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng Vương quốc Anh đã có bài viết đánh giá về triển vọng hợp tác giữa Anh với các nước Đông Nam Á từ chuyến thăm của Thủ tướng Cameron.
Dưới đây là toàn văn bài viết của Bộ trưởng Sajid Javid:
Tôi rất vui sau chuyến công du lớn đầu tiên của mình đến khu vực Đông Nam Á với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng. Trước đây tôi đã sống và làm việc ở Singapore, lần này tôi vô cùng vui mừng được trở lại khu vực mà mình vô cùng yêu quý; nhưng bên cạnh vô vàn những kỷ niệm về con người, văn hóa và niềm hạnh phúc, còn có nhiều lý do về kinh tế cho chuyến thăm khu vực Đông Nam Á lần này.
Đông Nam Á là thị trường xuất khẩu lớn thứ tám của Anh Quốc, với 13,8 tỷ bảng xuất khuẩu hàng năm. Con số này lớn gấp ba lần lượng chúng tôi xuất khẩu đến Brazil, và gấp hai lần lượng Anh xuất khẩu sang Ấn Độ.
Là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng giá trị xuất khẩu của Anh lên đến 1.000 tỷ bảng một năm và tăng số doanh nghiệp Anh xuất khẩu lên đến 100.000 năm 2020, chuyến công du thương mại đầu tiên của Quốc hội hiện tại là mang theo đại diện của Chương trình Tăng trưởng Kinh tế miền Bắc England của chúng tôi đến một khu vực có dự báo tăng trưởng 5% năm nay và với tiềm năng để mở ra các cơ hội to lớn có thể tạo việc làm và tăng tưởng ở Anh quốc.
Hơn 3.000 doanh nghiệp Anh đã làm ăn rất tốt ở khu vực Đông Nam Á, ở mọi lĩnh vực từ thiết kế, xây dựng cao cấp, năng lượng và chăm sóc sức khỏe đến các dịch vụ tài chính, công nghệ cao và các ngành dịch vụ sáng tạo. Và không những các công ty lớn như Roll-Royce, ngân hàng HSBC và công ty dược GSK đã tạo dựng sự nghiệp của mình chắc chắn ở khu vực này, mà gần 25% các công ty Anh hoạt động tích cực trong khu vực này là các công ty vừa và nhỏ.
Sự xuất hiện của Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 10 nước thành viên hợp tác với nhau gần gũi hơn. Với lực lượng lao động có kỹ năng và dân số trẻ tạo cơ sở mạnh mẽ cho tăng trưởng trong tương lai, khu vực này sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.
Đó là lý do vì sao mà tôi đã ở đây cùng với Thủ tướng Anh và một đoàn doanh nghiệp lớn với đại diện của hơn 60 công ty Anh nằm trong chương trình tăng trưởng miền Bắc của Anh quốc.
Chúng tôi mong muốn phát triển kinh doanh với khu vực Đông Nam Á bằng việc thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ, xây dựng các quan hệ đối tác thương mại và tạo các cơ hội đầu tư ở Anh. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi đặt Đại sứ quán và các văn phòng Cao Ủy của mình tại cả 10 nước ASEAN và Đại sứ của Anh quốc tại ASEAN đang đặt ở Jakarta.
Thủ Tướng của chúng tôi cũng đã bổ nhiệm Phái viên Thương mại đặc biệt cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Nghị sỹ Richard Grahamsẽ đảm nhiệm trọng trách này cùng với vai trò hiện tại của ông là đặc phái viên thương mại cho Indonesia.
Ông đã cùng tham gia với Thủ tướng trong buổi trao đổi với Tổng Thư ký của ASEAN trong chuyến thăm tuần qua. Và trọng tâm của chúng tôi không chỉ là các nước có nền kinh tế mạnh như Indonesia - Lord Puttnam đã là đặc phái viên thương mại cho các nước mới nổi như Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào từ năm 2012 và việc mở lại Đại sứ quán của Lào tại London năm ngoái có nghĩa là cả 10 nước ASEAN hiện nay đã có đại diện tại Anh quốc và ngược lại.
Một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Anh muốn làm ăn ở trong khu vực là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong chyến thăm lần này của mình Thủ Tướng David Cameron đã tuyên bố Anh và Singapore đã đồng ý một Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trong vấn đề này, tạo sự đảm bảo tốt hơn cho các công ty Anh, những công ty mong muốn coi Singapore là bàn đạp cho hoạt động kinh doanh của họ tại khu vực.
Thủ tướng Anh cũng tuyên bố Chính phủ Anh sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước Đông Nam Á khi các nước này thực hiện cải cách đã được đưa ra trong chương trình nghị sự của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, và hỗ trợ phát triển hạ tầng cơ sở trong khu vực.
Chúng tôi đang cùng với EU để hỗ trợ đàm phán hiệp định tự do thương mại (FTA) với khu vực này. Hiệp định FTA đầu tiên của EU ở Đông Nam Á - với Singapore đã hoàn tất, và chúng tôi đang chờ đợi chứng kiến việc thực hiện hiệp định này. Thương thảo với Việt Nam cũng sẽ sớm kết thúc và cũng đang tích cực thảo luận với các nước khác trong khu vực.
Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ dần dẫn đến một hiệp định FTA giữa EU và ASEAN, tạo ra một trong những khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với tổng GDP lên tới hơn 20.000 tỷ USD, tạo ra lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho người dân ở châu Âu và tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Nhưng chúng tôi không chỉ chú trọng đến kinh tế. Khoa học và sáng tạo là trọng tâm của kế hoạch kinh tế dài hạn của Anh Quốc. Chúng tôi bắt đầu từ vị trí mạnh với việc đứng đầu trong nghiên cứu, có các trường đại học cấp quốc tế và là quê hương của một số nhân tài thế giới hàng đầu, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng khoa học tốt nhất cần phải có các quan hệ đối tác.
Các nhà nghiên cứu và sáng chế hàng đầu của Anh hiện đang thiết lập quan hệ đối tác với Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái lan và Việt Nam để giải quyết những thách thức chính như cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe và làm cho phát triển đô thị bền vững hơn.
Trong chuyến công du lần này, chúng tôi cũng đã nhất trí dành 500.000 bảng hỗ trợ Quan hệ Đối tác Sáng tạo và Nghiên cứu giữa Anh và Singapore để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp để phát triển và trình diễn các công nghệ cho các thành phố thông minh.
Và Anh đang hợp tác với các nước trong khu vực Đông Nam Á xử lý các vấn đề trầm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu kể cả làm thế nào để giảm khí thải nhà kínhdo việc phá rừng, và làm thế nào để chuyển nền kinh tế và hệ thống năng lượng của chúng ta sang hệ thống có lượng cácbon thấp, mở ra các cơ hội đầu tư nới và công nghệ sáng tạo.
Một trong những quan hệ đối tác đó sẽ giúp hình thành hợp tác lâu dài giữa các nước và sẽ tạo ra những sáng tạo hàng đầu trong tương lai. Hiện tại, có hơn 40.000 sinh viên đến từ Đông Nam Á hiện đang học tại Anh, trong đó có 2.000 sinh viên đến từ nước thành viên nhỏ nhất của ASEAN là Myanmar; và hơn 140.000 sinh viên đang học các chương trình của Anh tại Đông Nam Á.
Trong một thị trường toàn cầu đang tăng, điều quan trọng của các nền kinh tế ở Đông Nam Á là sẽ tạo ra sự tăng trưởng. Tôi tin rằng từ chuyến công du tuần trước, chúng tôi có thể tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác ASEAN của chúng tôi để giúp tạo việc làm và tăng trưởng cho những người dân chăm chỉ ở Đông Nam Á và ở Anh quốc./.