Xuất khẩu suy giảm mạnh ở các nhóm hàng chủ lực
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy,ấtkhẩucuốinămliệucókhảkqbd thuy sy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ. Thống kê cũng cho thấy, ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI đều ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể: khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng 7 và giảm 13,9% so với cùng kỳ. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD, giảm 4,5% so với tháng 7 và giảm 1,9% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD. So với tương quan cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD thì đây là con số không mấy khả quan.
Đáng chú ý, trong tháng 8, có 3 nhóm hàng chủ đạo là nông, lâm thủy sản; nhiên liệu và khoáng sản; công nghiệp chế biến đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021. Trong đó, giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ giảm 50,2%; cá tra và tôm giảm 29,7%; rau củ giảm 25,8%; phân bón giảm 23,6%, hồ tiêu giảm 21,5%,…
Theo cơ quan quản lý, nguyên nhân chính do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp/nhà máy chỉ hoạt động ở 30 - 40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có ca nhiễm.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là hiện chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng; thiếu lực lượng lao động…
Bên cạnh nông lâm thủy sản, nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 231 triệu USD, giảm mạnh tới 33,2% và nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,06 tỷ USD, giảm 3,3%.
Không nhiều khả quan
Bộ Công thương đánh giá, hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Công thương dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu không nhiều khả quan do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh phía Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, tiến độ giao hàng của doanh nghiệp.
Đơn cử, khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính tới cuối tháng 8, chỉ có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”; khoảng 30 - 40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy.
Bên cạnh đó, quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường xuất khẩu lớn hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc - hiện gặp khá nhiều bất lợi khi nước này liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới.
Trước tình hình đó, từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực. Đồng thời, bộ cũng hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Ngoài ra, bộ này cũng đang đẩy mạnh công tác đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới; trong đó tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ…/.
Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1% gồm: điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%; hàng dệt may đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7%; giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%. |
Tố Uyên