Hoàn thiện pháp lý, nội luật hóa các cam kết
Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại dự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19" diễn ra ngày 29/6, nhiều DN mong muốn và kỳ vọng cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách cần thiết để thực hiện các cam kết trong EVFTA, để Hiệp định này đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực thực thi.
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Chính phủ đang xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai các biện pháp để thực thi có hiệu quả Hiệp định.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch đối với các nội dung mà Bộ phụ trách. Trong đó, thống nhất với Kế hoạch thực hiện của Chính phủ về mục tiêu và xác định các nhiệm vụ chủ yếu như công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, việc xây dựng pháp luật, thể chế được coi là công tác trọng tâm để thời điểm Hiệp định EVFTA đi vào thực thi cũng kịp thời với việc hoàn thiện khung khổ pháp luật. “Về nội dung này, Bộ Tài chính đã có những bước chuẩn bị và rà soát ngay từ khi Hiệp định được ký kết năm 2019. Cụ thể, qua quá trình rà soát pháp lý Hiệp định, Bộ Tài chính đã xây dựng danh mục và lộ trình các cam kết cần được nội luật hóa và xây dựng pháp luật, thể chế thực thi”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Theo đó, căn cứ kết quả rà soát đối với các cam kết về dịch vụ chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, hải quan… Bộ Tài chính đã hoàn thiện khung pháp lý liên quan. Đơn cử, đối với dịch vụ bảo hiểm trong EVFTA, chúng ta có 3 nội dung cam kết cao hơn WTO là mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cung cấp các loại hình dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện thông qua hình thức hiện diện thương mại và cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam sau 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Do vậy, Bộ Tài chính đã sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, bổ sung quy định về thành lập chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. “Dự kiến, trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật này tại Kỳ họp tháng 10/2021, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022 và sẽ có hiệu lực vào năm 2023”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Xây dựng lộ trình - biểu thuế xuất nhập khẩu
Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho biết, căn cứ kết quả rà soát đối với các cam kết về thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã xây dựng Nghị định về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020 - 2022. Hiện Nghị định đã được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét thông qua. Dự kiến có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Hiệp định.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, lộ trình cắt giảm thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết trong EVFTA được ký trên cơ sở Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2012 (gọi tắt là AHTN 2012). Để thực hiện cam kết, Bộ Tài chính đã chuyển đổi biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ AHTN 2012 sang AHTN 2017 theo nguyên tắc tuân thủ cam kết, không đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định.
Cụ thể, về biểu thuế nhập khẩu: lộ trình giảm thuế sau khi chuyển đổi biểu thuế sẽ gồm 10.857 dòng thuế. Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Thuế suất trung bình năm 2020 là 9,26%; năm 2021 là 7,73%; năm 2022 là 6,2%. Về biểu thuế xuất khẩu: Biểu thuế suất khẩu ưu đãi gồm mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất cho giai đoạn 2020 - 2022, áp dụng đối với 526 dòng thuế. Về mức thuế suất ưu đãi: Thuế suất trung bình năm 2020 là 9,32%; năm 2021 là 9,01%; năm 2022 là 8,71%.
Đặc biệt, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Nghị định này có điều khoản để đảm bảo dù thời điểm ban hành sau để tuân thủ Luật ban hành quy phạm pháp luật, thì hiệu lực áp dụng đối với thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hay xuất khẩu ưu đãi với các hàng hóa đủ điều kiện thì cũng được áp dụng cùng ngày hiệp định có hiệu lực. Nên chúng tôi đảm bảo doanh nghiệp áp dụng ưu đãi đặc biệt thuế nhập khẩu hay thuế nhập khẩu ưu đãi, sẽ đảm bảo quyền lợi theo đúng Hiệp định EVFTA”.
Bên cạnh đó, tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, cam kết về hải quan được quy định tại Chương tạo thuận lợi thương mại với các nội dung như hợp tác hải quan và hỗ trợ hành chính lẫn nhau; các thủ tục hải quan và pháp lý; giải phóng hàng; đơn giản hóa thủ tục hải quan; quá cảnh và chuyển tải; quản lý rủi ro; minh bạch; phí và lệ phí; đại lý hải quan; trị giá hải quan; kiểm tra trước khi hàng đến…
Ngoài ra, trong Hiệp định có một nghị định thư về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề về hải quan, quy định cụ thể về cách thức hỗ trợ, theo yêu cầu hoặc tự nguyện; hình thức và nội dung của yêu cầu hỗ trợ; trao đổi thông tin và bảo mật; ngoại lệ và nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, nội dung về sử dụng đại lý hải quan sẽ được bổ sung vào nghị định cùng với một số nội dung khác như công tác kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra giám sát hải quan…
Ở khía cạnh khác, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết thêm, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng cơ hội ngay khi EVFTA có hiệu lực, hiện cơ quan hải quan đang phối hợp với Bộ Công thương và VCCI trong hoạt động đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp để trên cơ sở đó, rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho doanh nghiệp.
Tố Uyên