(CMO) Tìm đến nhà Nghệ nhân Hai Tài (Nguyễn Thành Tài, sinh năm 1940) không khó, bởi chỉ cần men theo con đường làng nhỏ của ấp Phủ Thờ (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) và hỏi đến tên ông là được người dân chỉ vanh vách. Gặp ông khi mùa mía của gia đình đang vào vụ thu hoạch tất bật. Vén tay áo lau nhẹ những giọt mồ hôi đẫm trên trán, ông tự hào khoe với chất giọng sang sảng rất đời lại rất "tài tử": "Nói về quãng đường gắn bó với nghệ thuật thì dài lắm, còn niềm đam mê của tôi đối với đờn ca thì có lẽ đến chết cũng không dứt được. Tôi có 8 đứa con, đứa nào cũng biết đờn biết ca, niềm đam mê cứ được nối liền như vậy đó".
Nghe kể mới biết, dòng máu đờn ca đã chảy trong gia đình ông tính đến nay đã 4 đời. Ông nội của ông là thầy đờn kìm Bảy Quyền, vốn là bạn cùng thời với Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuở xưa. Các con trong gia đình ông Bảy cũng theo nếp tài tử của cha, nông dân chính cống mà chơi văn nghệ rành rọt không thua kém nghệ nhân thứ thiệt.
Nghệ nhân Hai Tài bên cây đờn kìm đã gắn bó hàng chục năm qua.
Ngày đó, khi vừa hoàn thành xong lớp nhất trường làng, hoàn cảnh giặc giã không còn nơi để học tập, cậu bé Hai Tài đành phải về quê nội nương náu và chính tại đây ông đã sớm được truyền dạy những ngón đờn kìm đầu tiên. Tiếng đờn khoan nhặt thấy vậy mà có sức hấp dẫn thật lớn, càng đờn càng mê, những năm sau đó ông tiếp tục được tạo điều kiện học thêm môn đờn ghi-ta từ người chú ruột. Như hạt mầm được nuôi dưỡng bởi vùng đất hết sức màu mỡ, chỉ mới 15 tuổi ông đã thành thạo hết 20 bài bản tổ, không những vậy còn chơi tốt các nhạc cụ tân nhạc, nên cứ hễ trong xóm nơi nào có sinh hoạt đờn ca nhất định không thể thiếu sự góp mặt của Hai Tài.
Đầu thập niên 60, Hai Tài được phân công lãnh đạo ban thiếu nhi của ấp Phủ Thờ, phụ trách dạy ca múa cho các cháu thiếu nhi và thanh - thiếu niên trong xã. Năm 1962, khi phong trào Đồng khởi bùng lên mạnh mẽ, ông tiếp tục được lãnh đạo xã rút về đoàn văn công nghiệp dư xã Trí Phải. Vốn nhanh nhạy, lại có khả năng sử dụng nhiều nhạc cụ cả tân lẫn cổ nhạc, thêm vào đó là năng khiếu diễn xuất nên chỉ một năm sau ông được tin tưởng giao trọng trách trưởng đoàn nghệ thuật nghiệp dư.
Niềm say mê nghệ thuật có sẵn từ lâu nên khi gặp những thuận lợi bước đầu, ông cố gắng tìm tòi, học hỏi kiến thức sân khấu từ các bậc thầy đi trước, liên hệ xin tuồng tích, ca cảnh từ các đoàn văn nghệ quân khu, đoàn văn công giải phóng và đứng ra tổ chức dàn dựng chương trình, cùng với các diễn viên không chuyên biểu diễn phục vụ Nhân dân.
Nhắc về khoảng thời gian làm công tác văn nghệ giai đoạn này, ông luôn tự hào khi nói về những thành tích cao đã đạt được tại các hội diễn văn nghệ mùa xuân của tỉnh tổ chức hằng năm. Đặc biệt, trong ký ức của Nghệ nhân Hai Tài cho đến bây giờ vẫn không thể quên được một thời chiến tranh vô cùng khó khăn, khi ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết cứ chực chờ, vừa diễn vừa canh máy bay của địch. Đoàn hát nghiệp dư thiếu thốn đến nỗi bộ dây đờn cũng xem như một tài sản lớn, sân khấu chỉ là nền đất, hoạ hoằn lắm mới có được chỗ kê bằng gỗ dừa hay ván ngựa, ấy vậy mà tiếng ca, nét diễn cứ thế cất lên say mê lòng người.
Sau ngày giải phóng, vốn là người ưa phóng khoáng, tự do, ông tiếp tục mải miết với các hoạt động đờn ca tại địa phương. Không chọn con đường nghệ thuật chuyên nghiệp để theo đuổi mà thích phiêu lưu đúng tính chất tài tử, tìm niềm vui tri âm tri kỷ là chính. Cũng nhờ các dịp giao lưu mọi nơi, góp nhặt được nhiều cái hay nên tiếng đờn, lời ca ngày càng phong phú và được trải rộng khắp các sòng đờn ca tài tử trong tỉnh, đến nỗi giới chơi tài tử lâu năm hễ nhắc đến tên Hai Tài đều dành cho ông sự kính nể đặc biệt.
Nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử ấp Phủ Thờ và hiện là cố vấn nghệ thuật của CLB Đờn ca tài tử xã Trí Lực, ông luôn ra sức duy trì phong trào văn hoá văn nghệ, tổ chức các hoạt động ngày một vững mạnh, gắn kết và thổi bùng ngọn lửa đam mê cho các thế hệ đi sau.
Không dừng lại ở đó, Nghệ nhân Hai Tài còn được biết đến là người thầy luôn tận tình chỉ dạy bài bản, hướng dẫn từng nhịp đờn, câu ca cho các thành viên trong CLB cũng như những người có năng khiếu, niềm yêu thích có nguyện vọng theo học. Học trò được Nghệ nhân Hai Tài truyền dạy tính đến nay rất nhiều, mà theo lời ông là "không thể nhớ hết". Điều khiến ông hạnh phúc là tuy không dạy trường lớp nhưng khi đi đến đâu, có dịp gặp lại, các học trò đều lễ phép chào với thái độ kính trọng, hoặc khi gặp thắc mắc gì cần giải đáp đều chạy về bên cạnh thầy để mong được thọ giáo.
Ông cho biết, có lẽ ảnh hưởng phong cách của thầy mà đa số đều chọn con đường tài tử như một thú vui tao nhã, họ đến với nghệ thuật bằng cả niềm đam mê và lúc nào cũng trong tâm thế giữ gìn, nâng niu.
Một đời gắn bó với nghệ thuật đờn ca, đến một ngày Nghệ nhân Hai Tài nhận thấy rằng, bản thân loại hình cổ nhạc ngày nay phải được cải biên để phù hợp với thời đại. Nếu không truyền lại những cái mới, không khéo những thế hệ tiếp nối sau này sẽ không có cơ sở để bảo tồn. Mặt khác, cần phải cung cấp những kiến thức về loại hình nghệ thuật này ngày một đầy đủ và hoàn thiện hơn.
Từ suy nghĩ ấy, năm 2014 ông bắt tay vào viết và đến nay đã hoàn thành gần 10 tập sách, trong đó chắt lọc những kiến thức sưu tầm, nghiên cứu cũng như học hỏi, đúc kết được trong hàng chục năm qua về các nội dung bao quát cũng như chuyên sâu về nghệ thuật đờn ca tài tử, hầu hết các điệu thức và bài bản tổ.
Những tập sách tuy viết tay nhưng không vì thế mà viết theo cảm tính, ngược lại luôn được ông chăm chút tỉ mỉ, kỳ công phân loại theo từng nhóm, xếp theo thứ tự chữ cái rất khoa học. Bên cạnh đó, ông còn thu âm hết các bài bản do chính ông đờn thành tư liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi.
Đưa cho tôi xem những "đứa con tinh thần" được ấp ủ bằng tất cả tình yêu nghệ thuật, ông thong thả: "Khi cất công sưu tầm và thực hiện, tôi không bao giờ nghĩ sẽ nhận lại bất cứ điều gì, mà mong muốn lớn nhất là được lưu truyền rộng rãi để những kiến thức về nghệ thuật văn hoá dân tộc được nhiều người biết đến. Ngặt nỗi không có điều kiện in ấn xuất bản nên tôi chỉ photo rồi tặng người có nhu cầu tìm hiểu chứ chưa được lưu hành rộng rãi. Bản thân dòng nhạc tài tử không cho phép qua loa, hời hợt, có đọc và nghiền ngẫm sẽ nhớ lâu và khi áp dụng thì mới hiệu quả".
Say mê nói về loại hình nghệ thuật này một cách rành rọt như một pho từ điển sống, chợt giọng ông chùn xuống với ánh nhìn xa xăm: "Đờn ca tài tử muốn bảo tồn phải có con người, quan trọng hơn là những con người đó phải được nuôi dưỡng, có như vậy di sản văn hoá của cha ông mới không bị mai một"... Khẩy nhẹ tiếng đờn kìm, gửi vào đó những suy tư, khuôn mặt nghệ nhân đau đáu một nỗi niềm...
Câu chuyện về đời và nghệ thuật cứ kéo dài cho đến khi vạt nắng chiều dần tắt trên những ruộng mía. Trên con đường trở về nhà, câu nói thổn thức khi nãy của Nghệ nhân Hai Tài cứ như khai mạch cảm xúc, gợi trong tôi những suy nghĩ miên man.../.