Khuyến cáo người dân cảnh giác trước cuộc gọi lừa đảo. Ảnh: NNK |
Thiệt hại lớn về tài sản
Ngày 14/3, Công an quận Nam Từ Liêm tiếp nhận đơn trình báo của chị V.T.H (sinh năm 1978, trú tại: Hoàng Mai, Hà Nội) về việc khi chị đang làm việc tại công ty ở Khu công nghiệp Từ Liêm thì nhận được điện thoại tự xưng là giáo viên nhà trường đến số điện thoại cá nhân của chị, thông báo con chị là cháu L.G.B đang học lớp 10A1 trường chuyên Khoa học tự nhiên bị ngã từ tầng 3 của trường đang cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch.
Sau đó chị được nối máy đến đối tượng tự xưng là bác sĩ yêu cầu chị chuyển tiền để làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật gấp. Chị H đã 2 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 200 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng yêu cầu, sau khi chuyển tiền thì chị H đã liên lạc với nhà trường thì xác định bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Cục Viễn thông khuyến cáo, với số điện thoại có đầu số nước ngoài (sẽ hiển thị dấu + hoặc 00 ở đầu và 2 số tiếp theo không phải là 84 mã nước Việt Nam) gọi nháy máy... thì không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. |
Trước đó chỉ một ngày, hồi 15 giờ 30 ngày 13/3/2023 anh L.X.H (sinh năm: 1980, trú tại: Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đang làm việc tại tòa nhà Golden Palace, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội thì nhận được điện thoại đến số máy cá nhân của anh H. Đối tượng giới thiệu là giáo viên thông báo con gái anh là L.T.M hiện là sinh viên trường đại học trên đường Hoàng Quốc Việt bị ngã từ tầng 3 nhà trường bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện 354 trong tình trạng rất nặng, yêu cầu anh H chuyển ngay số tiền 40 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng ấn định để làm thủ tục mổ ngay. Sau khi chuyển tiền anh H kiểm tra lại nhà trường thì phát hiện mình bị lừa đã trình báo tại cơ quan công an.
Mới đây, Công an phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng đã nhận được đơn trình báo của một công dân về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt 800 triệu đồng. Vẫn kịch bản cũ, đối tượng gọi điện tự xưng là công an thông báo công dân này có liên quan tới một vụ án, rồi yêu cầu phải cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu và mã OTP để kiểm tra. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn, công dân phát hiện tài khoản ngân hàng bị rút 800 triệu đồng và lúc đó mới biết mình bị lừa rồi đến cơ quan công an trình báo.
Các vụ việc xảy ra đã để lại hậu quả thiệt hại lớn về tài sản, gây tâm lý hoang mang trong phụ huynh, học sinh, sinh viên cũng như bệnh viện.
Công an TP. Hà Nội xử lý đối tượng lừa đảo công nghệ cao, sử dụng điện thoại lừa đảo khiến nhiều người “sập bẫy”. Ảnh: NNK |
Tăng cường quản lý thuê bao, nâng cao cảnh giác
Trước tình trạng các đối tượng xấu lợi dụng mạng viễn thông gọi điện và nhắn tin nhằm chiếm đoạt tài sản và các nội dung lừa đảo khác qua điện thoại, tin nhắn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thành phố tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan tới các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các nhân viên trực tiếp thực hiện đăng ký, phát triển, chuẩn hóa thông tin thuê bao bảo đảm tất cả các thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa lại phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác.
Các thuê bao phải đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đề nghị Viettel Hà Nội; VNPT Hà Nội; Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Nội; Công ty dịch vụ Mobifone khu vực I; Công ty Cổ phần viễn thông di động Vietnamobile thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) về việc đề nghị triển khai các giải pháp bảo đảm thuê bao phát triển mới, thuê bao được chuẩn hóa có thông tin thuê bao đúng quy định. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các trường hợp lừa đảo qua điện thoại vẫn theo một trong số các “kịch bản”: Đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng là nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông, hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia, cuộc gọi lừa đảo đến phụ huynh thông báo việc con trẻ bị "cấp cứu tại bệnh viện"...
Nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo qua điện thoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng trong nước áp dụng biện pháp kỹ thuật chặn các cuộc gọi giả mạo mục đích lừa đảo (đã ngăn chặn hơn 74 triệu cuộc gọi giả mạo). Mới đây, Cục Viễn thông cũng đã yêu cầu các nhà mạng gửi tin nhắn FlashSMS/USSD để cảnh báo khách hàng đang nhận cuộc gọi từ quốc tế...
Cục Viễn thông và các nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân khi nhận được cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện… Người dùng cần tắt máy ngay và trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an); cảnh giác ở mức tối đa đối với các cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ. |