Quốc hội thảo luận cả ngày về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước | |
Thủ tướng mong kỳ tích thể thao lan tỏa sang kinh tế, xã hội | |
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 |
Toàn cảnh thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 13/6 |
Đồng tình quyết toán NSNN 2018
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm nay, 13/6, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu rõ: Quyết toán NSNN năm 2018 cho thấy một bức tranh rất đẹp với tỷ lệ GDP 7,08%, cao nhất 10 năm trở lại đây.
Tỷ lệ bội chi NSNN năm 2018 là 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7% dự toán đề ra và cũng thấp hơn mức 3,5% năm 2017; với mức chi đầu tư giảm trên 8.000 tỷ đồng, chi thường xuyên giảm trên 42.665 tỷ đồng, chi dự phòng ngân sách giảm trên 32.000 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp chi ngân sách thường xuyên giảm và tỷ lệ giảm ngày càng tăng, năm 2017 giảm 2,3% và năm 2018 giảm 4,4%. Điều này thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công, tinh gọn bộ máy và tiết kiệm chi.
Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cũng nhấn mạnh: “Về quyết toán ngân sách năm 2018, tôi đồng tình số liệu quyết toán NSNN năm 2018 như Báo cáo của Kiểm toán nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội”.
Chấp thuận khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại, quyết toán một số khoản chi thường xuyên chuyển sang chi đầu tư của Bộ Tài chính và quyết toán khoản 790 tỷ đồng vốn đầu tư công đã phân bổ, chi đầu tư một số địa phương có nhiều khó khăn vào trong quyết toán NSNN năm 2018.
Ngoài ra, vị đại biểu Hưng Yên phân tích: Trong những tháng vừa qua, Việt Nam gặp một thách thức rất lớn nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Nền kinh tế có khả năng chống chịu và có nguồn lực thực hiện đầu tư chi thường xuyên hỗ trợ an sinh giá trị lớn.
Theo Báo cáo của Chính phủ, quy mô thu ngân sách ngày càng mở rộng. Năm 2019 tăng 1,81 lần so với năm 2014. Tính chung quy mô thu NSNN 5 năm giai đoạn 2015-2019 gấp 1,82 lần giai đoạn 2010-2014. Tổng thu NSNN bình quân đạt 24,9% GDP, vượt so với mục tiêu giai đoạn này là 23,5%.
Thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân tăng khoảng 8,3%/năm và các năm đều vượt dự toán với giá trị lớn đã góp phần tăng thêm nguồn lực tài chính.
Đáng chú ý, cơ cấu thu ngân sách vẫn tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tăng tính bền vững. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 82% năm 2019, giảm tỷ trọng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, dầu thô. Chi tiêu NSNN chặt chẽ, tiết kiệm hơn nhiều năm thấp hơn dự toán, cơ cấu chi tích cực.
“Lần đầu tiên trong nỗ lực minh bạch thông tin, Chính phủ lập báo cáo tài chính nhà nước năm 2018 theo Luật Kế toán năm 2015, đã đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách”, đại biểu Phạm Đình Toản nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Phạm Đình Toản cho rằng, vẫn còn tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm, cần tiếp tục khắc phục.
Điển hình như, về thu ngân sách, tỷ lệ huy động từ phí, thuế có xu hướng giảm. Năm 2018 đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu là 21% trong giai đoạn này. Số vượt thu từ tăng thu chuyển quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn. Đây là khoản thu một lần, các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đạt dự toán, thu nội địa chưa đạt mục tiêu 85% trong tổng thu NSNN.
“Tình trạng chuyển giá, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, thiếu số thuế phải nộp còn xảy ra ở nhiều nơi. Nợ đọng thuế mặc dù được tập trung xử lý, thu hồi nhưng vẫn còn lớn hàng chục nghìn tỷ đồng…”, đại biểu Phạm Đình Toản nói.
Giám sát sử dụng tiết kiệm NSNN
Đại biểu Phạm Đình Toản nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn thu NSNN sẽ bị giảm trong năm nay, cần làm tốt công tác dự báo, tiếp tục tăng cường theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng tiết kiệm có hiệu quả đối với NSNN, tài sản công, chống thất thoát, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bên cạnh đó, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo số liệu thì vốn đầu tư công năm nay từ chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang và kế hoạch của năm 2020 khoảng 700.000 tỷ, một số tiền rất lớn.
Sử dụng hết nguồn vốn đầu tư công của năm nay, trong đó cần tháo gỡ vướng mắc, gắn trách nhiệm với người đứng đầu và điều chuyển vốn kịp thời giữa các bộ, ngành, địa phương giữa các dự án.
Ngoài ra, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần giảm chi từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp thông qua tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa tối thiểu phải đạt được dự toán thu ngân sách Trung ương từ cổ phần hóa trong năm nay.
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ nghiên cứu, dự báo kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, đưa ra các kịch bản đề xuất giảm chỉ tiêu tăng trưởng trình Quốc hội ở thời điểm thích hợp. Trong điều kiện này, năm 2020 tăng trưởng kinh tế đạt trên một nửa so với kế hoạch là phù hợp.
“Do nguồn thu ngân sách thấp rất nhiều so với dự toán kế hoạch năm, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thêm nhiệm vụ chi, trong đó giảm chi thường xuyên, tiết kiệm hội họp, hủy hoặc hoãn kế hoạch dự toán đi nước ngoài phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo nguồn chi cho những dự toán đã thực hiện và chi hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ, chi hỗ trợ doanh nghiệp”, đại biểu Bùi Thu Hằng nói.