Đổi mới phương thức làm việc gắn với ứng dụng công nghệ thông tin
Chiều 10/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để chuẩn bị công bố vận hành một số phân hệ của HTTTBC Chính phủ.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ-VPCP), thời gian qua, Cục đã chủ trì, phối hợp với Sáng kiến Việt Nam, Tập đoàn VNPT và các đơn vị liên quan chủ động triển khai xây dựng HTTTBC Chính phủ kết nối với các HTTTBC của bộ, ngành, địa phương, từ đó hình thành HTTTBC quốc gia.
HTTTBC Chính phủ thu thập, tích hợp dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước, nhằm tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống nhằm bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, HTTTBC Chính phủ giúp nâng cao năng lực tham mưu tổng hợp của VPCP trong công tác phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu đặt ra của HTTTBC Chính phủ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo; góp phần chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số được tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan thông qua các hệ thống thông tin, bảng hiển thị.
Theo đó, năm 2020 sẽ kết nối HTTTBC Chính phủ với 100% các hệ thống báo cáo của các bộ, ngành, địa phương hoặc hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng trích xuất số liệu báo cáo để hình thành HTTTBC quốc gia. Đến năm 2025, mục tiêu có 100% báo cáo định kỳ do bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm nội dung mật), 100% báo cáo trong Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế-xã hội được gửi, nhận qua HTTTBC Chính phủ...
Dự kiến tiết kiệm 460 tỷ đồng/năm
Tại cuộc họp, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nêu lên những lợi ích của HTTTBC Chính phủ như: Giả sử một báo cáo quy định đối với địa phương thực hiện từ cấp xã đến cấp huyện, lên cấp tỉnh; đối với các bộ, cơ quan ngang bộ tổng hợp báo cáo từ các đơn vị trực thuộc và đơn vị ngành dọc gửi bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng… nếu điện tử hóa, hệ thống tổng hợp, thì người có trách nhiệm của mỗi cấp báo cáo chỉ xem và bấm duyệt, gửi báo cáo, mà không phải tổng hợp. Vì thế, thời gian tiết kiệm được cho bước tổng hợp ước tính là 6/10 ngày, số ngày công tiết kiệm được là 4.752 ngày công/năm.
Theo số liệu do các bộ, cơ quan cung cấp, bình quân hàng năm mỗi bộ, cơ quan có khoảng 20 báo cáo định kỳ gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, ước tính tổng số 22 bộ, cơ quan báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 440 báo cáo/năm.
Tính toán của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho thấy, nếu điện tử hóa tất cả các báo cáo này và kết nối với HTTTBC Chính phủ, thì sẽ tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Số liệu báo cáo này chưa tính cho báo cáo chuyên đề, đột xuất, chưa tính số báo cáo các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước phải báo cáo cơ quan Nhà nước… do Hệ thống bước đầu chỉ triển khai tới các cơ quan hành chính Nhà nước.
Hiện nay, có 9 bộ, cơ quan đã kết nối với HTTTBC Chính phủ. Cục Kiểm soát tục hành chính cùng các đơn vị liên quan đang tiếp tục kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác triển khai kết nối với hệ thống thông tin dữ liệu chuyên ngành.
Cũng theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, dự kiến ngày 13/3 tới sẽ ra mắt bước 1 của HTTTBC Chính phủ và dự kiến trong tháng 10/2020 ra mắt HTTTBC quốc gia.
Tại cuộc họp, đại biểu thuộc các bộ, ngành đánh giá đề án HTTTBC Chính phủ rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay, quan trọng hơn nữa là nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống khi vận hành sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, đặc biệt là cung cấp số liệu phục vụ cho chiến lược chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đây cũng là nội dung triển khai kịp thời trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thay mặt VPCP tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu về nội dung, giao diện, thiết kế... để hoàn thiện HTTTBC Chính phủ. Theo đó, một số phân hệ của HTTTBC Chính phủ sẽ khai trương ngày 13/3 và hoàn thiện dần, bám vào các chỉ tiêu vĩ mô để tạo ra các hệ thống báo cáo tổng hợp, phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, cơ quan chú ý việc chuẩn hóa báo cáo, phân công trách nhiệm cụ thể trong đơn vị để quyết tâm đưa HTTTBC Chính phủ vào vận hành, số hóa các văn bản giấy, tiết kiệm thời gian, chi phí cho ngân sách Nhà nước./.
Theo Chinhphu.vn