“Âm thầm” gây bệnh Như đã thông tin trênChất lượng Việt Nam, hiện nay trên thị trường đang xuất hiện rất nhiều đồ chơi Trung Quốc giá rẻ được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm của các bậc phụ huynh cho con em mình khi kỳ nghỉ hè đã bắt đầu và nhất là dịp Tết thiếu nhi (1/6) đang đến rất cận kề. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là đa số những loại đồ chơi đang bày bán trên thị trường đều được làm từ những loại nhựa tổng hợp, không được kiểm định chất lượng và dán tem CR, những loại đồ chơi trôi nổi này cũng không hề ghi bất cứ thành phần hay nguồn gốc nơi sản xuất sản phẩm. Chính điều này sẽ mang đến nhiều nguy cơ gây bệnh đối với trẻ em khi tiếp xúc cũng như chơi những loại đồ chơi này. Theo các chuyên gia hóa học, hiện nay do nhu cầu cạnh tranh trên thị trường nên nhiều cơ sở thường dùng các loại nhựa tái sinh để sản xuất đồ chơi, nhằm giảm chi phí đầu vào cũng như giá thành sản phẩm bán ra cũng rẻ hơn. Còn đối với những loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc thì việc sử dụng hóa chất, nhựa “rởm” để sản xuất đồ chơi là hiển nhiên. Vì không thể có chuyện dùng đồ tốt, đạt tiêu chuẩn quy định mà lại có giá rẻ như vậy được. Đặc biệt là những loại đồ chơi trẻ em càng nhiều màu sắc sặc sỡ thì càng nguy hiểm. Nguy hiểm nhất chính là chất làm ổn định nhiệt trong đó có chì. Thực tế cho thấy, hiện nay trẻ em bị nhiễm độc chì ngày càng diễn ra phổ biến. Sở dĩ vậy là do trẻ em thường cho các loại đồ chơi vào miệng ngậm, từ đó chì được chuyển hóa vào cơ thể và sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da dẻ lở loét … đặc biệt với những em nhỏ tuổi sẽ làm chậm quá trình biết đi. Cùng quan điểm trên, bác sĩ Lê Thanh Huyền, chuyên viên Bộ Y tế cũng cho rằng, trong những vật liệu bằng nhựa như đồ chơi, có rất nhiều chất độc hại như: Stibium (Sb), Asen (As), Bari (Ba), Cadimi (Cd), Crom (Cr), Chì (Pb) … những chất này có thể gây độc hại cho cơ thể. Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội tức thì, song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm. Một số bệnh điển hình như: bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày...
Cẩn thận với đồ chơi làm bằng nhựa dẻo Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, những đồ dùng bằng nhựa nói chung và nhất là những loại đồ chơi bằng nhựa dành cho trẻ nhỏ, trong thành phần của chúng không thể thiếu phthalates. Đây không phải là một chất mà là một nhóm chất, được dùng làm phụ gia tăng độ linh hoạt cả nhựa ( làm dẻo) được sử dụng rất rộng rãi ở nhiều sản phẩm và vật dụng khác nhau như: đồ nhựa gia dụng, đồ chơi bằng nhựa, kể cả là các loại mỹ phẩm, thuốc trừ sâu cũng có nhóm chất này. Theo ông Thịnh, phthalates có đặc điểm là chúng chỉ hòa tan trong nhựa mà không có liên kết chặt chẽ với các chất cao phân tử trong nhựa nên trong môi trường chúng rất dễ bị thoát ra khỏi đồ nhựa. Đặc biệt, nếu ngậm đồ nhựa trong miệng, phthalatses càng nhanh chóng hòa tan trong nước bọt và chất này sẽ trực tiếp đi vào cơ thể. Nói về sự độc hại của phthalates PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định: “Đây là một nhóm chất rất không tốt cho sức khỏe khi tiếp xúc, nhất là với trẻ nhỏ khi các cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện”. Nếu chất phthalates theo đường tiêu hóa vào cơ thể sẽ làm rối loạn hoạt động của các tuyến nội tiết. Bé gái bị nhiễm phthalates sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Chất DEHP (Diethylhexyl phthalate) có khả năng làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại. Những phụ nữ bị nhiễm phthalates trong máu cao, nếu sinh con trai, em bé sẽ bị bất thường ở cơ quan sinh dục. (Ví dụ: tinh hoàn và bộ phận sinh dục nhỏ, khoảng cách giữa cơ quan sinh dục và hậu môn ngắn hơn bình thường...). DEHP còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong. Chất Di ethylhexyl phthalate là một chất gây ung thư. Từ những nguy hại từ những loại đồ chơi bằng nhựa, nhất là những loại đồ chơi Trung Quốc đang được bày bán trên thị trường, các nhà khoa học khuyến cáo: “Thế giới đồ chơi là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của trẻ. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại đồ chơi như thế nào cho phù hợp lứa tuổi và phát huy được khả năng và trí tuệ cũng như độ an toàn của trẻ là điều các bậc phụ huynh phải hết sức chú ý”. Khi chọn đồ chơi cho trẻ phải chọn những loại đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, có ghi thành phần các chất trong đồ chơi. Không nên vì ham rẻ, nhắm mắt mua liều để rồi “rước” bệnh cho chính con em mình. H. Thanh – Phương Lê |