Nắng nóng bất thường tấn công nhiều quốc gia khiến người dân khốn đốn.
Dự Viên,ắngnngbấtthườngởnhiềuquốbảng xếp hạng australia một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Thượng Hải, Trung Quốc, đã cho lắp đặt những máy phun sương mát lạnh để giải nhiệt cho du khách. Ảnh: Caixin
Những ngày gần đây, nắng nóng với nhiệt độ cao bất thường đang xảy ra ở nhiều quốc gia châu Á, châu Mỹ và cả châu Âu. Chịu nhiều tác động nhất hiện nay chính là Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện nay có 68 thành phố của Trung Quốc, bao gồm cả Thượng Hải và Nam Kinh, đã phát đi cảnh báo màu đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo nắng nóng 3 thang, tiên lượng nhiệt độ sẽ vượt mốc 40oC trong những ngày tới.
Truyền hình quốc gia Trung Quốc đưa tin, tại một thị trấn ở phía Nam tỉnh Giang Tây, một đoạn đường bị phồng rộp lên ít nhất 15cm do nắng nóng. Nam Kinh, một trong 3 “lò lửa” khét tiếng ở đại lục vì mùa hè khắc nghiệt, đã mở cửa các hầm trú ẩn không kích dưới lòng đất kể từ hôm 10-7 để người dân đến tránh nóng. Các boong-ke thời chiến này được trang bị wifi, sách báo, máy lọc nước và thậm chí cả lò vi sóng để phục vụ những vị khách tới trốn tránh nắng nóng.
Ở Trùng Khánh, “lò lửa” thứ hai, mái của một trong những viện bảo tàng của thành phố đã tan chảy theo đúng nghĩa đen. Các viên ngói lợp mái nhà theo kiểu truyền thống của đại lục đã bị bung ra khi nắng nóng làm tan chảy lớp nhựa hắc ín bên dưới. Ngoài việc nâng cảnh báo lên mức đỏ hôm 11-7, thành phố còn cho triển khai các xe tải phun nước để làm mát các con đường.
Trong tuần này, nhiệt độ, độ ẩm và bức xạ cực tím cao cũng được dự báo sẽ tấn công thành phố Vũ Hán, “lò lửa” thứ 3 ở miền Trung Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chức Thượng Hải đã khuyến cáo 25 triệu cư dân thành phố chuẩn bị mọi điều kiện để đối phó với thời tiết bất lợi này. Tại một công viên động vật hoang dã rộng lớn ở Thượng Hải, các nhân viên đang phải sử dụng tới 8 tấn đá mỗi ngày chỉ để giữ cho các động vật đang được nuôi dưỡng ở đây mát mẻ. Kể từ khi kỷ lục được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1873, Thượng Hải mới chỉ trải qua 15 ngày với nhiệt độ trên 40oC.
Theo Reuters, Trung Quốc đang phải đối mặt với một mùa hè trái ngược trong năm nay, với các đợt nắng nóng và mưa lớn thay nhau tàn phá khắp đất nước. Nhà chức trách đã cảnh báo về các thảm họa thời tiết tiềm ẩn từ giữa tháng 7, vốn theo thông lệ là thời điểm nóng nhất và ẩm ướt nhất trong năm.
Cùng thời gian này, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan cũng đối mặt với đợt nắng nóng, với nhiệt độ từ 35 đến 40oC làm xáo trộn sinh hoạt và cuộc sống của người dân. Riêng ở Hàn Quốc đã có người chết vì nắng nóng.
Còn tại bang British Columbia, Canada cũng đã ghi nhận ít nhất 486 người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ 25 đến 30-6. Đây mới chỉ là số liệu thống kê sơ bộ và nó sẽ còn tiếp tục tăng lên theo thời gian.
Giới chức Mỹ cũng vừa thông báo chỉ tính riêng 2 bang Oregon và Washington của nước này nắng nóng đã làm 125 trường hợp tử vong. Trước đó, Sở cảnh sát thành phố Vancouver cho biết, họ đã ghi nhận ít nhất 65 trường hợp thiệt mạng kể từ khi đợt nắng nóng bùng phát vào hôm 25-6, và đa số những người tử vong đều là người cao tuổi.
Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Pháp… cũng đang phải trải qua những ngày nắng nóng nghiêm trọng bất thường, khi nhiệt độ ở một số nơi thậm chí vượt quá 40oC, gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt thường nhật của người dân.
Nhiều nghiên cứu đều chỉ ra rằng, thời tiết cực đoan ở nhiều nơi trong những tháng vừa qua có liên quan đến biến đổi khí hậu. Nắng nóng gia tăng cả về tần suất và mức độ là một trong những hậu quả trực tiếp nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đây cũng là hệ lụy của việc tàn phá rừng và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, các đợt nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt và thường xuyên hơn trong thế kỷ này. Tần suất xuất hiện các sự kiện cực đoan như sóng nhiệt có khả năng tăng cao gấp 30 lần.
Để hạn chế thiên tai xảy ra đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải tiến hành đồng bộ việc chống biến đổi khí hậu bằng những việc làm cụ thể như hạn chế tối đa khí thải nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường… Những việc này đòi hỏi thời gian dài và cần sự nỗ lực toàn cầu.
HN tổng hợp