(CMO) Ngày nay, công nghệ số phát triển, thông tin được truyền tải rất nhanh chóng, vì thế một bộ phận giới trẻ, nhất là sinh viên dần quay lưng với sách. Nhận thấy văn hoá đọc sách đang dần mai một, Phân hiệu trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu) đã và đang tìm những giải pháp nâng cao văn hoá đọc cho sinh viên.
Thời gian qua, Phân hiệu đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận với sách thuộc đa dạng lĩnh vực như: Sách chuyên ngành, kỹ năng sống, pháp luật, tâm lý, sách khởi nghiệp, đạo đức làm người… Từ đó, giúp sinh viên tự học, tiếp thu, phát triển kiến thức về nhiều mặt trong cuộc sống thông qua văn hoá đọc. Hơn nữa, đây còn là động thái nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cần thiết trong thời gian đào tạo tại trường, từ đó nghiên cứu học tập, ứng dụng kiến thức sách vở vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ công việc sau này.
Nhiều năm nay, Phân hiệu khuyến khích mỗi sinh viên trong một học kỳ phải thực hiện ít nhất 20 giờ đọc sách và học tập tại thư viện. Để đáp ứng mục tiêu đề ra, Phân hiệu thường xuyên cập nhật và bổ sung nhiều đầu sách hay từ nhiều nguồn khác nhau. Cho đến nay, thư viện Phân hiệu đã lưu trữ gần 1.500 đầu sách các loại, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên thuộc nhiều ngành, nhiều bậc học khác nhau.
Bên cạnh đó, định kỳ mỗi tháng, thư viện còn trang trí và trưng bày sách theo chủ đề văn hoá, lịch sử liên quan đến sự kiện từng tháng. Hoạt động này giúp sinh viên được tiếp cận với kiến thức văn hoá, lịch sử, hiểu được nguồn gốc các ngày lễ lớn trong năm của đất nước. Không những thế, nhiều năm qua, Phân hiệu còn tích cực tổ chức các hoạt động liên quan như: Hội thi giới thiệu sách, tổ chức gian hàng đọc sách cho sinh viên...
Đơn cử như Hội thi Giới thiệu sách được nhà trường tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua nhân lễ 30/4 và 1/5, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Hội thi đã khơi gợi lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta qua các cuộc đấu tranh chính nghĩa, nhắc nhớ thế hệ sau về tấm gương học tập và làm theo lời Bác. Thông qua những trang sách viết về Bác, sinh viên Phân hiệu tự rút ra cho mình nhiều bài học ý nghĩa về nhân cách sống của Người.
Sinh viên Phân hiệu tham gia Hội thi Giới thiệu sách lần thứ IV/2018. |
Sinh viên Lâm Kiều Phương, lớp 17AV0101, giải Nhất Hội thi Giới thiệu sách với chủ đề “Đại thắng mùa xuân 1975”, bộc bạch: “Lúc còn là học sinh, em không mặn mà lắm với việc đọc sách, nhưng sau khi tham gia học tập tại Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau, được tham gia nhiều hoạt động tại trường, trong đó có các hội thi giới thiệu sách đã giúp em thấy được giá trị của sách mang lại là vô cùng to lớn và đam mê đọc sách”.
Song song với những hoạt động đó, từ đầu năm học 2018-2019, Phân hiệu đã triển khai việc đọc sách cho sinh viên bằng cách mỗi sinh viên sẽ chọn đọc ít nhất 1 trong 5 quyển sách được giới thiệu. Nội dung các quyển sách xoay quanh vấn đề về khởi nghiệp, văn hoá, giáo dục tư tưởng, đạo đức và định hướng cách làm người cho sinh viên. Cuối học kỳ, sinh viên sẽ có một bài kiểm tra về nội dung quyển sách mình đã chọn đọc. Đây được xem là phương pháp giúp sinh viên nâng cao khả năng đọc sách, tự trau dồi kiến thức cho bản thân trong định hướng nghề nghiệp và hoàn thiện nhân cách.
Sách là 1 trong 5 người thầy quan trọng mà Trường Đại học Bình Dương luôn gợi mở cho sinh viên. Sẽ không có sinh viên không đọc sách mà có kiến thức sâu rộng và giàu kỹ năng học tập cũng như kỹ năng sống. Vì thế, đọc sách vừa là cách tiếp cận thông tin, lĩnh hội tri thức bền vững, vừa là nét văn hoá lâu đời gắn liền với mỗi người. Dù cho phương tiện nghe nhìn hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế cho việc đọc sách. Đọc để thay đổi tư duy và động lực thay đổi cuộc đời. Thông qua những hoạt động trên, Phân hiệu đã giúp sinh viên thay đổi quan điểm, tư duy sống và tích cực trau dồi kiến thức./.
Minh Sang