Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường,ụnữPhụngHiệpBiếnrcthnhtiềlịch thi đấu ngoai hạng anh hôm nay mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp Phụ nữ ở huyện Phụng Hiệp bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Các chị em của Tổ phụ nữ “Biến rác thải thành tiền” ở ấp Quới Lộ đang thu gom vật dụng bỏ đi của gia đình để đem bán.
Thời gian qua, ở nông thôn, tình trạng xả rác bừa bãi dưới sông, ven bờ ruộng vẫn diễn ra; ý thức của người dân về xử lý rác thải chưa cao. Thực tế này khiến việc thực hiện tiêu chí môi trường về xây dựng nông thôn mới là bài toán khá nan giải của các địa phương. Trước thực trạng trên, hội liên hiệp phụ nữ ở các xã trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đã xây dựng mô hình “Biến rác thành tiền”. Các mô hình thực hiện đã góp phần đẩy lùi tình trạng xả rác bừa bãi, bảo vệ môi trường có hiệu quả.
Tổ phụ nữ “Biến rác thải thành tiền” của Chi hội Phụ nữ ấp Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tuy mới thành lập gần 1 năm nay nhưng hoạt động khá hiệu quả. Sau 1-2 tháng đầu bỡ ngỡ, việc thu gom rác vô cơ để bán đã được chị em tích cực thực hiện.
Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như: vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… được chị em gom, phân loại trong 1 tháng. Người gom nhiều bán được 10.000 đồng, người gom ít cũng bán được hơn 5.000 đồng. Tiền bán được, các chị em dùng tất cả góp vốn vào tổ để hỗ trợ cho những chị em khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Đến, ở ấp Quới Lộ, xã Bình Thành, bộc bạch: “Nhà của tôi được chọn làm điểm tụ họp số rác của chị em tích góp được trong vòng 1 tháng. Ai rảnh thì đem lại, không rảnh thì tôi đi gom. Dù không có lợi ích gì nhưng tôi cảm thấy rất vui. Hơn nữa, từ khi tham gia tổ phụ nữ, tôi học hỏi được rất nhiều điều, biết thêm nhiều kiến thức về phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh quanh nhà”.
Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Quới Lộ, xã Bình Thành, cho biết: Trong tổ mặc dù số tiền bán từ rác không lớn, nhưng thông qua việc này sẽ giúp chị em tập được thói quen tiết kiệm. Hơn nữa, đây còn là dịp để chị em trong ấp gặp gỡ nhau, hàn huyên tâm sự, chia sẻ sau 1 tháng vất vả đồng áng nên chị em rất nhiệt tình hưởng ứng.
Mới được thành lập được ít ngày, nhưng Tổ phụ nữ “Biến rác thải thành tiền” ở ấp Bàu Môn, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cũng nhận được sự hưởng ứng của chị em phụ nữ ấp. Bà Nguyễn Thị Lan, ở ấp Bàu Môn, chia sẻ: “Lúc đầu, mấy chị em trong ấp cũng ngại tham gia, vì không biết góp vốn được lợi ích gì. Nhưng sau khi được giải thích thì chị em cũng hiểu mà đồng tình tham gia. Hơn nữa, bản thân gia đình tôi cũng làm trước để mọi người noi theo”.
Theo quy chế hoạt động của tổ, mỗi thành viên sẽ đóng 20.000 đồng. Tùy vào số tiền rác mà chị em bán được sẽ đóng thêm vào với lãi suất 0,5% mỗi tháng. Số tiền này sẽ được cho chị em có nhu cầu vay lại với lãi suất 1%. Cuối năm, số tiền tổ trưởng thu được lẫn số tiền góp vốn sẽ trả gốc lẫn lãi về cho chị em. Riêng số tiền lãi cho vay vốn còn lại sẽ được dùng để liên hoan hoặc chi phí đi lại cho các chị em đảm nhiệm.
Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa An, cho biết: Với 16 thành viên thì mỗi tháng số tiền thu được khoảng 320.000 đồng. Tuy số tiền này thực sự không lớn, nhưng đã giúp nhiều chị em có vốn buôn bán nhỏ hoặc tạm thời giải quyết khó khăn trước mắt.
Với mục tiêu nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp đã phát động và triển khai nhiều mô hình. Trong đó, “Biến rác thải thành tiền” là một trong những mô hình nổi bật. Tính đến nay, toàn huyện đã có 5 tổ phụ nữ “Biến rác thải thành tiền”. Bước đầu, một số chị thay đổi hành vi thu gom, xử lý rác, tiếp đến là sử dụng nước sạch, tiết kiệm nước, biết tác hại của túi nilon, chất thải gây ô nhiễm môi trường… Dần dần thấy hiệu quả, tính thiết thực của mô hình đã thu hút nhiều chị em tham gia, đến nay đã được nhân rộng ra toàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Hoạt động của các tổ nhằm biến rác thành tiền đã mang lại nhiều lợi ích, nhất là nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường bằng cách xử lý rác thải. Hình thức này không tốn kém thời gian, dễ làm nhưng có số tiền tích lũy và tạo được cảnh quan môi trường sạch. Tuy nhiên, dù đạt những kết quả tích cực, nhưng việc nhân rộng mô hình còn chậm. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền để nhân rộng mô hình trên toàn huyện để không những hội viên mà để mọi người hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: THANH THÚY