Hội nhập TPP, ngành chăn nuôi cần phải được thay đổi theo chiều hướng tích cực |
Ngành chăn nuôi đối diện nhiều thách thức
Theo Cục Chăn nuôi, hầu hết các giống bò, lợn, gia cầm cao sản nước ta đều phải nhập từ Mỹ, Canada, Pháp, Úc… Năm 2014, Việt Nam đã nhập 11,7 triệu tấn nguyên liệu các loại để sản xuất thức ăn chăn nuôi với kim ngạch nhập khẩu 4,8 tỷ USD. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian gần đây, nước ta phải nhập khẩu tới 90% các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như: khô dầu đậu tương, bột thịt – xương, bột cá…; riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập khẩu gần 100%. Theo Liên minh Nông nghiệp, hiện nay 80% các loại vắc xin được phép lưu hành tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu từ 17 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi ở nước ta cao hơn khoảng 10% so với nhiều nước trong khu vực châu Á.
Ông Đoàn Xuân Trúc nhận định: Chăn nuôi ở Việt Nam đang có năng suất lao động quá thấp. Một trang trại lớn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ có 1 lao động còn ở Việt Nam là 15- 20 người. Một nhân công nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi ở Việt Nam chỉ là 5.000 con. Chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp, liên kết theo chuỗi yếu… làm cho giá thành chăn nuôi ở nước ta cao, khả năng cạnh tranh thấp.
Theo tính toán của Viện Chăn nuôi, giá thành sản xuất 1 kg thịt heo trong nước là 2,08 USD, còn ở Mỹ là 1,41 USD; giá thành sản xuất 1 kg thịt bò trong nước là 2,53 USD còn ở Úc là 1,77 USD. Về gà công nghiệp, chi phí sản xuất thịt gà tại Thái Lan là 1,2 USD/kg, Hàn Quốc là 1,34 USD/kg còn ở Việt Nam là 1,6 USD/kg.
Vẫn có lộ trình để chuẩn bị
Nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với các nước tham gia TPP, các nước tham gia các FTA khác và so với một số nước ASEAN. Các sản phẩm chăn nuôi của một số nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Hội Chăn nuôi Việt Nam dự báo, khi xóa bỏ thuế quan, các mặt hàng chăn nuôi có khả năng nhập nhiều vào Việt Nam từ các nước đối tác FTA là thịt bò đông lạnh từ Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, New Zealand; Bò thịt sống từ Úc, Thái Lan; Sữa và các sản phẩm từ sữ từ Úc, New Zealand; Thịt lợn đông lạnh từ Mỹ, Tây Ban Nha, Đan Mạch; Thịt gà đông lạnh và phụ phẩm từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan.
Trước những lo lắng của các chuyên gia ngành chăn nuôi khi TPP được ký kết, ông Ngô Trung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trên thực tế, không phải cứ ký kết Hiệp định thương mại (FTA) là nhập khẩu sẽ tăng lên và xuất khẩu khó khăn. Khi TPP ký kết, thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi về 0%, chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh nhưng nhìn tổng thể thì ngành chăn nuôi cũng sẽ được hưởng những lợi ích nhất định bởi nhiều mặt hàng như máy móc sản xuất phục vụ ngành chăn nuôi thuế cũng về 0%. Mặt khác, theo lộ trình giảm thuế thì tới năm 2028 thuế suất nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi mới về 0%. Từ nay tới lúc đó, ngành chăn nuôi còn đủ thời gian để chuẩn bị.
Ông Ngô Trung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo |
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng: Trước mắt ngành chăn nuôi nước ta đang có một thời kỳ quá độ tuy không dài (2- 3 năm) trong lộ trình cắt giảm thuế quan theo các cam kết song phương, đa phương của từng FTA. Quá trình các nước phê chuẩn TPP cũng cần 1- 2 năm. Đây là cơ hội hội vàng về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy nhanh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nhanh chóng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Một trong những yếu tố quyết định là sản phẩm thịt sản xuất trong nước phải có giá bán không cao hơn nhiều so với nhập khẩu và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. “Nếu giá thành quá cao thì sẽ tạo cơ hội cho số lượng khá lớn thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam và ngành chăn nuôi sẽ bị thua ngay trên sân nhà”, ông Đoàn Xuân Trúc nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam: TPP là hiệp định cấp cao nhất với cam kết xóa bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm (kể từ năm 2015) để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động. |