Chính sách tiền tệ “ngược dòng” hỗ trợ nền kinh tế |
Không được phép “thử sai”, phải tìm điểm hài hòa cho chính sách tiền tệ |
Chính sách tiền tệ có nên chuyển từ “chặt chẽ, thận trọng” sang “nới lỏng, thận trọng”? |
Theo báo cáo của WB, trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục giảm, phần lớn là do sản xuất bị thu hẹp trên diện rộng - bao gồm may mặc, giày dép, gỗ và giấy, điện tử, máy móc, xe có động cơ và đồ nội thất - phản ánh tình trạng xuất khẩu tiếp tục suy yếu.
Trong khi đó, về thương mại hàng hóa, WB nhận định, sự sụt giảm liên tục của các yếu tố đầu vào nhập khẩu có thể cho thấy khu vực doanh nghiệp dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ còn suy yếu trong những tháng tới.
Báo cáo của WB cũng đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng thứ tư liên tiếp, giảm từ 2,8% trong tháng 4 xuống 2,4% trong tháng 5. Giá năng lượng toàn cầu giảm đã giúp giá nhiên liệu và xăng dầu trong nước giảm, dẫn đến đóng góp âm của ngành giao thông vào lạm phát CPI.
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Nguồn: WB |
Trên thị trường tiền tệ, kể từ hôm nay (19/6), lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện. Với những đợt giảm lãi suất điều hành kể từ tháng 3/2023 đến nay, nhờ đó, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã được điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, theo WB, bất chấp những đợt cắt giảm lãi suất này, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm từ 9,2% (so cùng kỳ) trong tháng 4 năm 2023 xuống 9,0% (so với cùng kỳ) trong tháng 5, mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Các chuyên gia WB nhấn mạnh, điều này phản ánh nhu cầu tín dụng yếu do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu và nhu cầu vốn giảm từ thị trường bất động sản và chứng khoán.
Từ những vấn đề của nền kinh tế vĩ mô, báo cáo của WB đưa ra nhận định, trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa. Miền Bắc Việt Nam bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, NHNN đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, WB khuyến nghị, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.
Ngoài ra, các chuyên giá WB tiếp tục đề nghị đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.
Trong khi hoạt động xuất khẩu chế biến, chế tạo chậm lại và việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, WB cho rằng, điều quan trọng là phải nhanh chóng xác định và hỗ trợ những người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng thông qua hệ thống bảo trợ xã hội. Hợp lý hóa các thủ tục hành chính và loại bỏ các rào cản pháp lý sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và đầu tư cần thiết cho tăng trưởng kinh tế.