Bên lề Diễn đàn tài chính 2018 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/9, ông Huỳnh Thế Du đã trao đổi với báo chí về những rào cản và giải pháp cho tiến trình CPH DNNN. PV: Theo ông hiện đang có những rào cản gì làm giảm tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước? Ông Huỳnh Thế Du: Thực ra nếu chúng ta nhìn vào tiến trình CPH thì có thể nhận thấy có rào cản rất lớn về lợi ích và mục tiêu. Khi CPH, nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ai là người mất nhiều nhất, đó là những người quản lý các DNNN, những người điều hành trực tiếp DN đó. Khi CPH thì những quyền lợi, đặc ân của những người đó sẽ giảm đi. Đây là rào cản lớn nhất trong tiến trình CPH. Điều thứ 2, có một trục trặc khác xảy ra là lâu nay chúng ta cứ muốn Nhà nước giữ lượng cổ phần chi phối nào đó, ví dụ như trên 50% chẳng hạn. Việc giữ thị phần chi phối ở mức nào đó có một số ý nghĩa của nó. Chúng ta biết rằng, việc nắm giữ cổ phần từ 49% lên 51% là khác nhau, lên 51% là có quyền quyết định. Một ai đó đã nắm khoảng 30-40% cổ phần của DN, họ chỉ cần mua thêm một ít cổ phần nữa lên 51% thì họ sẽ có quyền quyết định, lúc đó 49% còn lại trở thành thiểu số. Đến lúc đó Nhà nước nắm giữ 49% lại xảy ra trục trặc khác. Về cơ bản người nắm 51% sẽ giữ quyền quyết định, nên người ta có thể sử dụng các cách thức khác nhau để chuyển nguồn lực, lợi ích của DN hiện tại thành lợi thế của họ. DN thực chất mua bán chỉ còn cái vỏ, cơ bản 49% vốn Nhà nước không còn tác dụng gì nữa cả. Khi tiến trình CPH, tôi cho rằng còn một bước rất quan trọng là không thể cho phép người đã nắm 45% mua thêm quá 5%, mà phải có cơ chế đảm bảo toàn bộ phần vốn còn lại được bán đi thông qua quá trình đấu giá công khai, hoặc đảm bảo có một số người có thể mua đảm bảo cân bằng trong DN thì mới tạo ra quá trình phát triển lành mạnh. Nếu không sẽ có sự thất thoát của vốn, thất thoát nguồn lực Nhà nước. Đấy là chưa kể có rất nhiều vấn đề sân sau ở trong đó, ví dụ như một DNNN rất lớn, người ta chỉ CPH một số bộ phận nhỏ, nhưng những bộ phận đó tạo ra nguồn lực, tạo ra doanh thu, tạo ra giá trị chính của DN, thì cái đấy chả khác gì sân sau hay lợi ích nhóm trá hình. PV: Thưa ông, trong trường hợp một DN nào đó họ chỉ mua số % để đạt 51% thì liệu rằng 49% còn lại của Nhà nước có khó bán hay không? Ông Huỳnh Thế Du: Đương nhiên là khó bán. Bởi như tôi vừa nói, bản chất của DNNN là "cha chung không ai khóc". Chúng ta không tìm được nguời đại diện vốn chủ sở hữu của DNNN. DNNN có những lợi ích chồng chéo trong đó, người đại diện có khi còn đứng về phía 51%. Lúc đó sẽ có nhiều người muốn mua được 51% và 49% còn lại sẽ vẫn là của Nhà nước. Bởi của Nhà nước thì không ai có tiếng nói cả và lúc đấy người đó có toàn quyền quyết định. Đó là một thách thức rất lớn đối với tiến trình CPH. PV: Hiện nay nhiều DN đã thực hiện CPH xong theo nguyên tắc phải đưa về SCIC, nhưng lại không đưa về, ông thấy việc đó có khó khăn gì hay không? Ông Huỳnh Thế Du:Góc nhìn của tôi rất đơn giản, đó là góc nhìn lợi ích. Khi một đơn vị trực thuộc bộ, ngành thì có chồng chéo tầng tầng lớp lớp các lợi ích ở trong đó. Bây giờ nếu chuyển từ các bộ chủ quản, các ngành chủ quản sang SCIC thì cũng như chúng ta nói về động cơ CPH DNNN, nếu đẩy nhanh tiến trình này thì họ sẽ được gì, còn nếu cứ chây ì giữ lại thì lợi ích của họ vẫn còn. Ở đây chúng ta phải giải quyết câu chuyện lợi ích. Giải quyết phải bằng những quyết định dứt khoát, chứ còn để tự nguyện hoặc để những người điều hành DN tự đẩy nhanh tiến trình CPH thì điều đó không xảy ra, đi ngược với nguyên tắc của lợi ích. PV: Thưa ông, để đẩy nhanh tiến trình CPH thì cần tháo gỡ những nút thắt nào? Ông Huỳnh Thế Du:Chúng ta vừa đề cập đến câu chuyện lợi ích. Câu chuyện CPH là phải cho người bên ngoài làm việc đó, hoặc là thành lập ra ban gọi là ban CPH. Vai trò quyết định là những người không liên quan trực tiếp đến DN đó để đẩy nhanh tiến trình CPH. Còn những người trong DN đó cũng có thể là thành viên của ban, nhưng họ không phải là nhân vật quyết định. Còn nếu họ là nhân vật quyết định họ sẽ chây ì mãi, bởi chả ai tự đi "bắn vào chân mình", chả ai tự đi đẩy cái tiến trình mà làm cho lợi ích của họ giảm đi. PV: Xin cảm ơn ông! Bùi Tư (ghi) |