Xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão | |
Xuất khẩu hoá chất tăng mạnh sau khi giảm liên tiếp 2 năm |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.
Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất, tiêu dùng, hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: Nhiều loại hóa chất khác nhau, tiềm ẩn những mức độ nguy cơ sự cố hóa chất khác nhau. Sự cố đơn giản nhất là vương vãi hóa chất. Loại hình thứ hai là sự cố hóa chất có tính chất nguy hiểm hơn như nổ hoặc sự cố xì, rò dẫn đến nổ. Loại sự cố thứ ba phức tạp hơn, hết sức nguy hiểm là sự cố có thể dẫn đến vừa nổ, vừa cháy.
Về phía các đơn vị lưu trữ và sử dụng hóa chất, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức trang bị đầy đủ kiến thức, nắm rõ tính chất nguy hiểm, phương pháp bảo quản, bảo đảm an toàn hóa chất và giảm thiểu rủi ro.
“Tuy nhiên vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, thụ động chỉ chú trọng quan tâm thật sự sau khi sự cố xảy ra. Một số cơ sở dù có quan tâm nhưng thực hiện mang tính đối phó chưa đầy đủ”, ông Thanh nói.
Vi phạm phổ biến được lãnh đạo Cục Hóa chất chỉ ra là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành.
Khẳng định trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn trong việc phòng ngừa và xử lý sự cố hóa chất, ông Thanh nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải nhận thức và có chiến lược lâu dài để đảm bảo an toàn”.
Từ góc độ địa phương, ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Khi xảy ra một số sự hóa chất lớn như sự cố tại Nhà máy hóa chất Đức Giang hoặc sự cố hỏa hoạn ở Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông gây thất thoát lượng lớn chất thủy ngân, TP Hà Nội đã khẩn trương tập trung nguồn lực xử lý hậu quả.
Rút kinh nghiệm những sự cố đó, năm 2020, TP Hà Nội tăng cường triển khai những đợt diễn tập về ứng phó sự cố hóa chất ở các khu công nghiệp. Hiện, Sở Công Thương TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tổng thể phòng ngừa, ứng phó với tất cả các loại sự cố hóa chất trên địa bàn.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho rằng, yếu tố mấu chốt giúp giảm thiểu các sự cố hóa chất có thể xảy ra tại doanh nghiệp chính là công nghệ trong lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất.
Ông Dũng đề nghị các cơ quan chức năng quản lý nhà nước Trung ương và địa phương tổ chức hội thảo, tọa đàm về các công nghệ tiên tiến, xu hướng đổi mới trong quản lý, sử dụng hóa chất để các doanh nghiệp cập nhật và nâng cấp chương trình, kế hoạch ứng phó.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin về việc ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại hơn giúp định hướng doanh nghiệp kịp thời thay thế trong sử dụng nhằm đảm bảo an toàn, thân thiện hơn trong sản xuất.