Trao quyền để quản lý hiệu quả Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm Nghị định 46 quy định cụ thể về vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu 750 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí, mức vốn điều lệ tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu 1.300 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, việc quy định cụ thể về mức vốn, không cào bằng như trước đây cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp; từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính vững, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Ngoài ra, Nghị định 46 cũng quy định, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đã đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành trước ngày 1/1/2023 thì không được phép gia hạn khoản đầu tư này. Một trong những nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị định là việc quy định chi tiết về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Theo đó, Quỹ này do Bộ Tài chính quản lý, quyết định sử dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích. Nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ chỉ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành, toàn bộ số dư của Quỹ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu chính phủ. Bộ Tài chính tự thực hiện hoặc ủy thác cho một tổ chức thực hiện đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ. Tổ chức này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư. Quỹ này được sử dụng để chi trả cho người được bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản, mất khả năng thanh toán. Do đó, Nghị định 46 cũng có điều khoản cụ thể về hạn mức chi trả cho người được bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phá sản, không thể thanh toán. Cụ thể, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hay hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, Quỹ được chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng Việt Nam/người được bảo hiểm/hợp đồng. Trước đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 157 Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ 1/1/2023. Vì thế, quy định này được đánh giá là giảm gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm nên việc chuyển số dư Quỹ cho Bộ Tài chính quản lý là phù hợp, bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm. Quản chặt đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng Trước những vụ việc “lùm xùm” về việc mua bán bảo hiểm qua đại lý là các tổ chức tín dụng, Nghị định 46 ra đời được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để quản lý chặt chẽ, giúp hoạt động này đi đúng hướng và phát huy hiệu quả tích cực. Theo đó, Điều 62 của Nghị định 46 đã quy định điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm. Theo quy định mới, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đáp ứng và tuân thủ 6 điều kiện. Chẳng hạn như phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý. Hơn nữa, đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng phải có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý; có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác. Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo Nghị định 46, những quy định này được xây dựng nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế của thị trường, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và những vấn đề trong quản lý, giám sát của cơ quan quản lý, thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, hiệu quả. Còn theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc hoàn thiện các hệ thống pháp lý không chỉ giúp cơ quan quản lý giám sát hoạt động của thị trường hiệu quả mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển theo hướng an toàn, ổn định, cũng như bảo vệ tốt hơn người tham gia bảo hiểm. |