Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ hoạ: Văn Chung |
Mở thêm 187 tài khoản chuyên thu
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong thu ngân sách, trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin, số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
KBNN đã mở rộng công tác phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại (NHTM), góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN, hỗ trợ người nộp thuế và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với KBNN. Trong 6 tháng đầu năm 2023, KBNN đã mở thêm 187 tài khoản chuyên thu tại các NHTM; mở rộng phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với Sacombank, nâng tổng số NHTM phối hợp thu NSNN lên 16 ngân hàng.
Tính đến hết ngày 30/6/2023, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 876.2021 tỷ đồng, bằng 54,06% dự toán năm 2023.
Trong công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN theo đúng quy định của pháp luật. Toàn hệ thống KBNN đã kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo đúng nội dung, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện công tác kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn năm theo quy định tại Luật Đầu tư công; ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Nộp ngân sách 2.500 tỷ đồng từ hoạt động nghiệp vụ
Về điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN), KBNN đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc xây dựng và triển khai phương án điều hành NQNN năm 2023 và quý I, quý II/2023 theo hướng an toàn, chủ động, minh bạch và hiệu quả; tổ chức điều hành NQNN bằng nội tệ và ngoại tệ tập trung trong toàn hệ thống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN.
Đặc biệt, KBNN đã triển khai hiệu quả các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi (cho NSNN tạm ứng/vay; gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM và mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ) theo đúng quy định và theo phương án đã được Bộ Tài chính phê duyệt; tổ chức dự báo luồng tiền và thực hiện quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN theo đúng quy định.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, KBNN đã tổ chức điều hành, quản lý NQNN an toàn, minh bạch, hiệu quả và đã nộp vào ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ.
Phát hiện và trả lại 9 món tiền nộp thừa Công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) luôn được đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ, bằng nhiều biện pháp cụ thể như: Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tự kiểm tra, kiểm tra đột xuất tại từng đơn vị; triển khai giám sát từ xa đối với hoạt động kho quỹ; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa KBNN các cấp với cơ quan công an trên địa bàn trong việc triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối tiền, tài sản trong hệ thống KBNN... Trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ thống KBNN đã phát hiện và trả lại 9 món tiền khách hàng nộp thừa với tổng số tiền hơn 304 triệu đồng. |
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng NQNN, trong đó làm rõ cơ cấu nguồn hình thành NQNN theo tính chất sở hữu và tính chất biến động; nguyên tắc quản lý NQNN; việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của nhà nước nói chung và NQNN nói riêng.
Tiếp tục tổ chức quản lý quỹ ngân sách chặt chẽ, an toàn
Tình hình kinh tế trong nước và thế giới 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, gây thách thức cho ngành Tài chính và hệ thống KBNN. Theo đó, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, KBNN đã đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện từ nay đến cuối năm.
Theo đó, ngoài việc tập trung nguồn lực xây dựng, triển khai các đề án, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm năm 2023 theo đúng tiến độ đã đề ra, KBNN đã đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công.
Cụ thể, KBNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành cao nhất dự toán thu NSNN năm 2023. Đồng thời, đơn vị tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nhằm cải cách công tác thu NSNN, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai việc mở rộng tài khoản chuyên thu tại các NHTM; tổng hợp ban hành mã danh mục thu phạt vi phạm hành chính của các bộ, ban, ngành để chia sẻ, đồng bộ dữ liệu lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, KBNN bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công năm 2023 để tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, KBNN tiếp tục chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán gửi KBNN, tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm; đôn đốc việc thu hồi vốn tạm ứng, thu hồi những khoản tồn đọng, chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định.
Một nhiệm vụ được KBNN hết sức chú trọng trong 6 tháng cuối năm đó là tổ chức điều hành NQNN an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN và các đơn vị giao dịch, tăng sử dụng NQNN cho ngân sách trung ương vay nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi của cấp ngân sách này, giảm chi phí vay nợ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý NQNN, phát hành trái phiếu chính phủ; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý NQNN.
Đã kiểm soát, thanh toán trên 669.713 tỷ đồng vốn ngân sách Trong 6 tháng đầu năm, toàn hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) đã thực hiện kiểm soát, thanh toán 669.713,2 tỷ đồng vốn ngân sách (bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên). Cụ thể, toàn hệ thống đã thực hiện kiểm soát 455.339 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 38,4% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng). So với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 12.997 tỷ đồng về giá trị, thấp hơn 1,4% về tỷ lệ so với dự toán. Đối với chi đầu tư, toàn hệ thống đã kiểm soát, giải ngân 214.314,2 tỷ đồng, bằng 29,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2023 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua KBNN (717.331,3 tỷ đồng), bằng 28% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2023 Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao, kiểm soát chi qua KBNN (765.848,6 tỷ đồng). |