Chắt chiu từng đơn hàng Vừa thực hiện xuất khẩu lô hàng tôm đi thị trường châu Âu vào dịp cuối năm, ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận chia sẻ, 2023 là năm rất khó khăn đối với doanh nghiệp thủy sản khi các doanh nghiệp vừa trải qua đại dịch, lại phải đối mặt với nền kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Đối với Công ty TNHH Thông Thuận, 3 thị trường này chiếm tới hơn 90% thị phần. Trong năm 2023, hàng xuất khẩu (XK) của công ty bị giảm hơn 20% về đơn hàng XK so với năm 2022, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cố gắng chắt chiu từng đơn hàng, duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Là doanh nghiệp XK tôm quy mô lớn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta chia sẻ, hiện nay lượng tôm thương phẩm lưu thông không nhiều, các doanh nghiệp chế biến chỉ nhận lượng tôm nguyên liệu hàng ngày bằng một nửa so các năm bình thường. Nguyên nhân là đơn hàng không có nhiều. Các đơn hàng ít ỏi đang được doanh nghiệp Việt Nam chào bán và bị phía khách hàng chê giá đắt từ 1-2 USD/kg so với giá tôm chào bán từ các nước khác. “Tuy nhiên, với giá chào đó, các doanh nghiệp không có chút đồng lời nào, thậm chí lỗ nhẹ nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, giữ đơn hàng và chỉ nhằm tìm chút việc làm cho người lao động để có thu nhập"- ông Lực nhấn mạnh và cho biết, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đã điều chỉnh giảm mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 xuống mức 4.870 tỷ đồng và lãi trước thuế còn 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 25% so với kế hoạch ban đầu. So với thực hiện năm trước, mục tiêu lợi nhuận này cũng thấp hơn 6%. Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về XK cá tra, trong năm 2023, XK cá tra của Công ty CP Vĩnh Hoàn giảm khá sâu, trong đó có cả những thị trường truyền thống. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết, các doanh nghiệp XK cá tra đã mở rộng thị trường XK đến hơn 140 quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Khanh, ngành chế biến cá tra còn sử dụng nhiều lao động phổ thông, đây sẽ là thách thức trong tương lai. Nên việc sử dụng máy móc, công nghệ trong sản xuất để giảm các khâu sử dụng nhiều lao động sẽ là giải pháp để ngành vượt qua mối nguy này. Ngành cá tra cần đầu tư cho công nghệ, vượt qua thách thức yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về môi trường và an sinh xã hội, cơ chế linh hoạt, thông thoáng và quyết tâm của nhà nước cũng là yếu tố cần để tạo cú hích cho doanh nghiệp tăng tốc thực hiện các chương trình phát triển XK sản phẩm chế biến sâu. Các doanh nghiệp đều cho rằng, năm 2023 giá bán hàng đã giảm xuống tối đa, dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận rất ít. Việc giảm đơn hàng XK đột ngột vào cuối năm 2022, kéo dài sang năm 2023, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải xoay xở tìm cách chuyển hướng thị trường, chắt chiu từng đơn hàng để duy trì sản xuất XK. Gia tăng sản phẩm chế biến Khó khăn trong việc đạt được chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 cũng là câu chuyện chung nhiều doanh nghiệp XK đang gặp phải trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh doanh thu, chuyển hướng XK, cơ cấu lại thị trường, đặc biệt gia tăng sản phẩm giá trị gia tăng… Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của công ty là phi lê cá tra đông lạnh, hơn nửa doanh thu của công ty năm 2023 đến từ việc bán các sản phẩm chế biến từ cá nuôi. Tỷ trọng doanh thu của công ty ngày càng tăng đến từ các sản phẩm giá trị gia tăng, collagen và gelatin, chế biến cá hồi cho đối tác Nhật Bản của công ty. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, khi thị trường không mấy sáng sủa, hàng giá trị gia tăng sẽ ít bị ảnh hưởng và ít bị tổn thương bởi những thách thức cung - cầu. Công ty CP Vĩnh Hoàn không chỉ sản xuất phi lê cá tra tẩm bột mà còn kết hợp nhiều sản phẩm khác nhau để tạo ra các món mì hải sản và rau củ... Với mặt hàng XK chủ lực tôm, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, hiện nay, tuy xuất khẩu tôm đã đạt trên 4 tỷ USD, lọt vào danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch cao nổi tiếng với năng lực chế biến sâu, có tiềm năng mở rộng diện tích nuôi… nhưng ngành tôm Việt vẫn còn trong giai đoạn mang tính chất đối phó các khó khăn liên tục ập đến, ngày một phức tạp. Khó khăn lớn nhất là tỉ lệ nuôi thành công thấp dẫn đến giá thành cao. Tiếp theo là dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra, góp phần làm giảm sút năng suất, kích cỡ con khi thu hoạch. Khó khăn nữa là đại đa số người nuôi thiếu vốn cho sản xuất… Qua năm 2024, khó khăn còn kéo dài và chưa có dấu hiệu suy giảm, sự chuẩn bị ứng xử ngay từ bây giờ càng thêm cấp thiết. Theo ông Trương Hữu Thông, để vượt qua khó khăn, Công ty TNHH Thông Thuận đã đổi mới cách bán hàng, tiết kiệm và cắt giảm chi phí, tìm phương án nuôi tôm thích ứng với giá thành thấp hơn; doanh nghiệp phải linh hoạt, nhìn vào thực trạng của thị trường để tìm ra giải pháp thích ứng, chống chọi với khó khăn. Tình hình sản xuất và lực lượng công nhân của công ty vẫn được ổn định, duy trì được đơn hàng XK do công ty đã chuyển sang làm hàng giá trị gia tăng như sushi, tẩm bột, tempura… Chia sẻ cách làm của doanh nghiệp mình, ông Đoàn Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho biết, bối cảnh khó khăn năm 2023 có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2024 như nhận định của nhiều người. Do vậy, doanh nghiệp phải tự tìm cách tồn tại, nhận định được những thách thức, khó khăn, cũng như những tình huống cụ thể để vượt qua. Nếu trước đây doanh nghiệp mở rộng mặt hàng, thì bây giờ chỉ tập trung những cái đang có, đang làm, đi sâu hơn về chất lượng và chi phí sản xuất cho tốt hơn. Các mặt hàng giá trị gia tăng từ tôm của Việt Nam gần như đã bão hòa. Do đó, DN nên tập trung những mặt hàng đang có, chú trọng cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã, không mở rộng thị trường và khách hàng mới, tập trung giữ khách hiện có, truyền thống, cải tiến trang thiết bị máy móc, nhà xưởng hiện đại hơn, chăm chút cho công nhân, tăng lương để giữ công nhân có tay nghề, đảm bảo lao động ổn định, nâng cao tay nghề, nỗ lực ổn định sản xuất vượt qua giai đoạn này. Đối diện với nhiều khó khăn thách thức, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của cơ quan quản lý trong công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn về vốn, thủ tục..., các doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực vượt qua một năm đầy khó khăn, mang về hơn 9 tỷ USD từ hoạt động XK. |