Toàn cảnh phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023. |
Đây là sự kiện lớn, uy tín, được tổ chức thường niên, năm nay thu hút 1.000 đại biểu tham gia hội thảo và triển lãm trong các lĩnh vực như tư vấn thiết kế, kiến trúc, bất động sản, vật liệu xây dựng, thiết bị, công nghệ, sản phẩm cơ điện, sản phẩm nội thất xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp… Sự kiện thể hiện cam kết, nỗ lực của Bộ Xây dựng và UBND TPHCM trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các nội dung, nhiệm vụ về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không của Chính phủ.
Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích.
Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Trong đó, TPHCM có 67 công trình, đứng đầu cả nước về số công trình xanh và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh, với tổng diện tích sàn được chứng nhận hơn 1,2 triệu m2.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp. Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm con số này còn khá khiêm tốn. Do đó, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới.
Đặc biệt, việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải, Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, số liệu nghiên cứu và đánh giá do Bộ Xây dựng cung cấp cho thấy, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37 đến 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính. Do đó, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải dòng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, đã có nhiều quyết sách, văn bản chỉ đạo liên quan đến việc hỗ trợ các dự án thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Tuy nhiên, với nhu cầu rất lớn như hiện nay, và những yêu cầu liên quan đến cam kết trung hòa carbon cần thiết phải xây dựng thêm các cơ chế chính sách mạnh mẽ hơn nữa.
Trong đó, tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cũng như làm “bà đỡ” cho các dự án phát triển công trình xanh nói riêng, các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan quan xây dựng dự thảo Quyết định của Chính phủ liên quan đến tiêu chí môi trường và xác nhận dự án đầu tư có thể tiếp cận tài chính xanh. Thị trường đang rất mong chờ quy định này sẽ sớm được thông qua để tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức tài chính cũng như chủ đầu tư tham gia thúc đẩy các dự án xanh với các nguồn tín dụng ưu đãi. Từ đó, đẩy nhanh hơn để giá thành các công trình xanh phù hợp hơn với người thuê, người mua.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình xanh và Thích ứng biến đổi khí hậu của Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, có nhiều thông tin cho rằng, chi phí xây dựng công trình xanh rất đắt đỏ, nhưng thực tế không phải vậy. Việc đầu tư công trình xanh chưa chắc có thể tiếp cận được với nguồn vốn rẻ hơn, nhưng có thể khẳng định điều này sẽ giúp doanh nghiệp, chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành, tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, tài chính xanh là một trong những giải pháp rất quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy cho các các dự án trong lĩnh vực xây dựng hướng tới mục tiêu giảm phát thải nhanh hơn. Theo đó, cần có sự vào cuộc của các tổ chức tài chính để hình thành các quỹ, gói tín dụng xanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp từ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thiết bị công nghệ, tiết kiệm năng lượng, môi trường, đến các chủ đầu tư dự án, công trình đạt tiêu chí công trình xanh, giảm phát thải… Việc tiếp cận nguồn tín dụng này sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí vận hành, tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn.
Theo bà Maria Joao Pateguana, Chuyên gia phát triển khối tư nhân của ADB, thực tế cho thấy việc đầu tư tài chính xanh và bền vững sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên hiện chưa có nhiều hoạt động đầu tư tài chính phổ biến trên thị trường. Một trong những lý do được cho là việc đầu tư này còn nhiều phức tạp, các sản phẩm tài chính chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng.
Một nghiên cứu đang thực hiện của ADB cho thấy, Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách trong việc phát triển các công trình xanh, đặc biệt là chưa có hệ thống thuế xanh và các quy phạm pháp luật để khuyến khích phát triển xanh. Bên cạnh đó, lỗ hổng về thiếu thông tin, cấu trúc thị trường, nguồn nhân lực am hiểu phát triển xanh, tài chính… là những lí do khiến cho việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn nhiều thách thức.